Sáng 26-5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết dự kiến sáng 27-5 sẽ công bố khỏi bệnh cho 3 bệnh nhân Covid-19, trong đó có bệnh nhân 19 là bà L.T.H. (64 tuổi, ở Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, là bác gái bệnh nhân số 17, N.T.H.N.). Bệnh nhân đã trải qua 2 tháng 19 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là một trong số bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng đầu tiên ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cũng là ở Việt Nam.
Video clip bệnh nhân 19
Bệnh nhân nhập viện ngày 7-3 sau khi được xác định dương tính với SARS-CoV-2 với bệnh nền là rối loạn tiền đình, cơ thể gầy. 9 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân 19 bất ngờ xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, khó thở, sốt cao, diễn tiến bệnh vô cùng nghiêm trọng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16-3. Tình thế mỗi lúc một nguy cấp, bệnh nhân diễn biến xấu hơn, suy thận và phải lọc máu. Đến ngày 18-3, bệnh tình chuyển biến nặng, hô hấp rất khó khăn, tổn thương phổi lớn. Các bác sĩ đã quyết định đặt hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) cho bệnh nhân để đảm bảo duy trì các chức năng sống mới mong có thể qua khỏi.
Gần 1 tháng, bệnh nhân đã sống với sự hỗ trợ của tim phổi nhân tạo và từng bước phục hồi các chức năng của cơ thể, sức khỏe dần ổn định. Sau khi đã nhiều lần đánh giá sức khỏe bệnh nhân với sự cố vấn của nhiều chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam, Hội đồng chuyên môn đã quyết định cai máy ECMO và ngày 4-4, đã rút máy ECMO. Tuy nhiên đến rạng sáng 8-4, bệnh nhân bỗng xuất hiện rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn rồi cứ thế rơi vào mê man, bất tỉnh. Trước đó, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, xem tivi trong phòng bệnh. Các bác sĩ đã phải cấp cứu hồi sức trong suốt hơn 40 phút, liên tục cả chục bác sĩ, điều dưỡng ép tim cho bệnh nhân.
Video clip bệnh nhân 19
Là người trực tiếp tham gia ép tim cho bệnh nhân 19, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết cấp cứu ngừng tuần hoàn là cấp cứu tối cấp trong y khoa. "Thời điểm bệnh nhân ngừng tim, chúng tôi 8 bác sĩ, điều dưỡng cứ thế thay nhau ép tim cho bệnh nhân, ép đến 30 phút liên tục mà không có chuyển biến gì. Lúc đó chúng tôi sợ mình sẽ thất bại. Đôi tay ai nấy đều rã rời nhưng tất cả đều cố gắng 100% sức lực của mình với hi vọng tái lập tuần hoàn cho người bệnh. Lúc đó, gần như toàn bộ nhân lực của Khoa Hồi sức tích cực đã được huy động để hỗ trợ. Các bác sĩ cũng tính đến tình huống xấu nhất và đã trao đổi, giải thích rõ với người nhà. Đến hơn 40 phút sau, nhịp tim bệnh nhân đập trở lại, cũng là lúc ai nấy đều kiệt sức, bơ phờ nhưng cảm giác sung sướng vô cùng.... Tuy nhiên, sau khi ngừng tuần hoàn, tổn thương tim của bệnh nhân nặng hơn, nhiễm trùng tăng lên, suy thận. Các bác sĩ phải tiến hành lọc máu, đề xuất can thiệp lại ECMO"- bác sĩ Khiêm nhớ lại.
Sau "cú" sốc tim, ngừng tuần hoàn ấy, những ca hội chẩn liên viện với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, hô hấp... liên tục diễn ra. Bộ Y tế khẳng định sẽ tập trung tất cả thầy thuốc giỏi nhất, phương tiện y tế hiện đại nhất để cố gắng chiến đấu, cứu chữa, giữ mạng sống cho các bệnh nhân nặng. Với những diễn biến phức tạp về sức khoẻ, đã có lúc các bác sĩ cân nhắc đặt lại ECMO cho nữ bệnh nhân này. Nhưng bà đã vượt qua được, chỉ phải thở máy, rồi dần dần cai thở máy, tự thở, tập vận động, đi lại... với sự hỗ trợ của các điều dưỡng viên, y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Sau 2 tháng 18 ngày điều trị, dự kiến sáng 27-5, bà L.T.H., 64 tuổi, bệnh nhân Covid-19 số 19, được công bố khỏi bệnh
Những ngày gần đây, trên giường bệnh, nữ bệnh nhân tỉnh táo, có thể tiếp xúc, nói chuyện với phóng viên. "Điều mà tôi thấy cảm động nhất là các y bác sĩ ân cần chăm sóc, mặc bỉm giúp tôi. Mong ước của tôi là được về nhà, lúc nào khỏe mạnh, tôi sẽ đến viện cảm ơn mọi người đã giúp đỡ mình. Nhờ sự cố gắng của mọi người mà tôi được sống tiếp. Tôi phải cố gắng để nhanh khỏe"- bệnh nhân 19 chia sẻ. Nữ bệnh nhân 19 cũng cho biết bà đang đếm từng ngày để được xuất viện. Bà ra Hà Nội từ 28 Tết, chồng, con và 2 cháu nội đang đợi bà về nhà ở quận 9, TP HCM.
Nữ bệnh nhân 19 cũng là một trong 3 ca nguy kịch nhất Việt Nam (cùng với bệnh nhân 91 phi công và bệnh nhân 161 là cụ bà 88 tuổi ở Hưng Yên) và là người có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam. Trong đó bệnh nhân 19 và bệnh nhân 91 là 2 ca bệnh Covid-19 phải can thiệp ECMO trong thời gian dài. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương có 5 ca bệnh nặng, trong đó có bệnh nhân 19, đến nay tất cả bệnh nhân nặng đều đã khỏi bệnh.
Ngoài bệnh nhân số 19 này, sẽ có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 khác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng được công bố khỏi bệnh. Trong số này có bệnh nhân số 52 (nữ du học sinh 24 tuổi quê Quảng Ninh) là trường hợp có nhiều lần âm tính sau đó lại dương tính với SARS-CoV-2.
Một số hình ảnh về bệnh nhân 19:
Bình luận (0)