Sáng 20-12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và Báo điện tử VTC News tổ chức hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng".
Các chuyên gia cảnh báo hầu hết các sản phẩm TPCN quảng cáo trên mạng xã hội vi phạm quảng cáo
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Việt Nam được đánh giá là có thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển thuộc loại nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2000, ở nước ta chỉ có vài chục loại TPCN và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục ngàn sản phẩm.
Trong đó, hơn 70% TPCN trên thị trường là sản xuất trong nước, người biết và sử dụng TPCN tăng lên trên 60%. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về kinh doanh, quảng cáo TPCN rất phổ biến và đáng báo động.
Hình ảnh quảng cáo vi phạm được lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chia sẻ
"Đó là sản xuất sản phẩm TPCN không đúng như đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào TPCN ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng người dùng. Trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… để quảng bá sản phẩm. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai chức năng, công dụng trên mạng xã hội, khiến công chúng bức xúc"- ông Phong nói.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nêu hàng loạt những hành vi bị cấm trong quảng cáo TPCN. Theo quy định, không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng. Ngoài ra, không sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất"… để quảng cáo sản phẩm.
Hình ảnh sản phẩm thật và giả được cơ quan chức năng thu giữ
Tuy nhiên, theo bà Nga, trên thực tế những vi phạm thường gặp đó là: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh; sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng thực phẩm như thuốc, "thần dược"; quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm.
"Đáng chú ý là việc sử dụng ca sĩ, diễn viên, người của công chúng để quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm rất phổ biến. Người nào cũng rất nhiều bệnh"- bà Nga nói.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng kỹ thuật chống hàng giả của Việt Nam hiện đã tụt hậu và không hữu ích. Do đó Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm TPCN lưu thông trên thị trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng.
Bình luận (0)