xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều người trẻ đột tử khi vận động

Ý LINH

Nhiều người trẻ đang khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý trước đó nhưng lại đột tử sau khi vận động, tập luyện hay thi đấu thể thao

Theo PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, hiện nay tai biến trong vận động ngày càng trở nên phổ biến. Ðáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân không nhận biết được những dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Những cái chết bất ngờ

Một trường hợp điển hình mới đây được ghi nhận tại Khoa Hồi sức Bệnh viện ÐH Y Dược TP HCM. Bệnh nhân là N.V.T (SN 2000), sinh viên một trường đại học tại TP HCM. T. nhập viện trong tình trạng bị tiêu hủy cơ vân dẫn đến suy thận cấp. Nguyên nhân được xác định là do vận động quá sức. May mắn bệnh nhân đã được cấp cứu và chạy thận lọc máu kịp thời.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là trước đó T. được đánh giá là hoàn toàn khỏe mạnh, không có triệu chứng bệnh lý. Những dấu hiệu bất thường chỉ xuất hiện sau khi T. cố sức thực hiện động tác thụt dầu liên tục hàng chục cái trong một tiết học tại trường. Ngày hôm sau T. bị đau cơ đùi và đi tiểu có màu đỏ đậm.

PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết T. vốn chưa từng tập luyện thể thao nên việc vận động với cường độ mạnh và nhanh trong thời gian ngắn khiến cơ thể phải gắng sức quá mức. Khi vượt ngưỡng giới hạn, các tế bào cơ vân bị tiêu hủy giải phóng nhiều myoglobin vào máu gây tắc ống thận. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây suy thận cấp dẫn đến tử vong.

PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết nhóm đối tượng dễ gặp tai biến, đột tử khi vận động gắng sức khác cần được cảnh báo là trẻ em. Nhiều trường hợp các em sau khi học thể dục ở trường thì lăn ra ngất xỉu vì bị co thắt phế quản.

"Hầu hết giáo viên thể dục đều không biết được tình trạng sức khỏe của từng học sinh, nên khi trẻ bảo khó thở, không tập nổi thì giáo viên lại cho rằng trẻ lười biếng, không muốn vận động nên ép trẻ tập, thậm chí cho điểm thấp gây tâm lý lo sợ buộc trẻ phải gắng sức hoạt động. Ðiều này thật sự nguy hiểm vì dễ dẫn đến tai biến, đột tử đặc biệt đối với trẻ bị hen suyễn" - PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan thông tin.

Nhưng không chỉ đối với nhóm người không thường xuyên tập luyện, những vận động viên chuyên nghiệp cũng cần được cảnh báo về tai biến, đột tử khi vận động. Trên thế giới đã xảy ra không ít trường hợp vận động viên đột tử trong lúc luyện tập, thi đấu. Như trường hợp của Luis Miguel Lastra (21 tuổi, cầu thủ đội bóng Cuidad Jardin, Tây Ban Nha) chết trên sân tập vì bệnh tim. Hay ở Việt Nam là trường hợp của cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc (28 tuổi, đội Sóc Trăng) đột quỵ khi đang thi đấu. Mới đây nhất là trường hợp của Võ Văn Thơm (23 tuổi, Bình Thuận) tử vong do hoạt động quá sức dẫn đến trụy tim khi đang tham dự Giải Marathon TP HCM 2019, mặc dù trước đó Thơm được xác định là không có tiền sử bệnh tim mạch.

Rõ ràng dù là vận động viên, người tập luyện không chuyên hay người trẻ tuổi… khi vận động gắng sức đều có nguy cơ xảy ra tai biến. Mặc dù ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường mọi người đều rất khỏe mạnh, kiểm tra không phát hiện bệnh nên không biết được nguy cơ tiềm ẩn. Vì vậy, khi vận động, thậm chí chỉ ở cường độ thấp cũng làm xuất hiện các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, lên cơn suyễn, đóng dây thanh âm…

Tham vấn trước khi luyện tập

Vận động và tập thể dục luôn được các chuyên gia khuyến khích cho người khỏe mạnh lẫn người bệnh nhưng cần phải biết được giới hạn của bản thân để có thể tránh những tai biến nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay có thể phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn khi vận động thông qua nghiệm pháp đo gắng sức hô hấp - tim mạch. Theo ThS-BS Vũ Trần Thiên Quân, Phòng khám Bệnh viện ÐH Y Dược 1, nghiệm pháp này là một bài kiểm tra thử thách, dựa trên chứng cứ để theo dõi quá trình trao đổi khí, ECG, huyết động học, SpO2… Nhằm đánh giá hệ tim mạch, hô hấp, chuyển hóa, thần kinh - cơ, triệu chứng khi gắng sức tới tối đa. Nhờ đó giúp nhận diện cơ chế sinh lý bệnh làm giới hạn khả năng vận động, hô hấp, tuần hoàn, hệ cơ xương và ti thể.

Hiểu rõ các giới hạn của bản thân và xây dựng bài tập dựa trên cơ sở này là cách tốt nhất để có được chương trình tập luyện an toàn, phù hợp với sức khỏe của từng cá nhân. Ðặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nhân đã xuất hiện những dấu hiệu bệnh lý về tim mạch, hô hấp, chuyển hóa, thận…

"Với người lớn nên xây dựng bài tập có cường độ trung bình khoảng 150 phút/tuần hoặc đi bộ từ 5.400-7.900 bước/ngày. Có thể được chuyển đổi thành các hoạt động tương đương trong cuộc sống. Chẳng hạn đối với thể trạng trung bình của đàn ông Việt Nam (51 tuổi, cao 1,68 m; nặng 65 kg) mỗi tuần thay vì luyện tập võ thuật, thi đấu cầu lông, đá banh, nhảy dây có thể chuyển thành các hoạt động làm vườn như trồng cây, nhổ cỏ, xúc cát… với khối lượng công việc ở cường độ trung bình bằng nhau" - bác sĩ Trần Quốc Tài, Ðơn vị Hô hấp - Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện ÐH Y Dược 1) tư vấn.

"Ðể hạn chế tối đa tai biến, đột tử khi vận động, cần phải kiểm tra sức khỏe cho người tập và kiểm tra y học cho vận động viên trước khi cho phép hoặc khuyến khích nên tập luyện môn thể thao nào cho phù hợp với từng người" - PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo. 

Vận động quá sức được các chuyên gia xác định chính là nguyên nhân dẫn đến những ca đột tử liên tục xảy ra hiện nay, trong đó nhồi máu cơ tim là phổ biến nhất.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo