Tai biến y khoa làm nhiều người tử vong trong lúc chạy thận nhân tạo (CTNT) xảy ra tại tỉnh Hòa Bình mới đây đã gây lo lắng không chỉ đối với người bệnh mà cho cả thầy thuốc đang làm công việc CTNT.
Không thể không đáp ứng
Là một trong những trung tâm CTNT lớn của cả nước với số lượng bệnh nhân trên 400 người, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP HCM) cũng bị tác động nhất định bởi sự cố y khoa ở tỉnh Hòa Bình.
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Nội thận Miễn dịch Ghép BV Nhân dân 115, cho biết người bệnh đang CTNT rất lo. Dù đã được điều trị ổn định, được gắn các thiết bị chạy thận vào cơ thể (mổ cầu tay, lọc màng bụng) và được phép xuất viện về lại địa phương để tiếp tục CTNT nhưng họ vẫn khẩn thiết xin nán lại BV. Với một bệnh nhân suy thận nhập viện, BV phải điều trị cả tháng, phải mổ sẵn cầu tay (3 tuần), lọc màng bụng (2 tuần) mới được chuyển đến những cơ sở CTNT khác.
"BV đang có 66 máy CTNT, chạy 4 ca/ngày với công suất 24/24 giờ. Thế nhưng, với nguyện vọng của người bệnh, chúng tôi không thể không đáp ứng. Chắc phải tăng ca, các BS sẽ vất vả hơn nhưng phải ráng cho qua giai đoạn dễ gây "sốc" này" - BS Phương Dung cho biết.
Dễ nhầm với bệnh khác
Theo các chuyên gia, thận là một tạng kép, nằm sau phúc mạc, có chức năng rất quan trọng đối với cơ thể người. Thận lọc các chất độc sau quá trình chuyển hóa của cơ thể và đào thải nước, giữ cân bằng axít, muối, nội môi, các chất ion trong cơ thể, điều hòa kiểm soát huyết áp...
ThS-BS Trương Hoàng Minh, Trưởng Khoa Ngoại niệu - Ghép thận BV Nhân dân 115, cho biết suy thận mạn là tình trạng chức năng thận bị tổn thương, mức lọc cầu thận suy giảm không hồi phục được. Có 5 mức độ suy thận và khi đến mức độ 5, người bệnh phải được chỉ định điều trị thay thế thận, như: CTNT, thẩm phân phúc mạc và ghép thận.
Điều trị bệnh suy thận tại Bệnh viện Nhân dân 115
Suy thận có thể xảy ra đột ngột, gọi là suy thận cấp hoặc diễn tiến từ từ, tức suy thận mạn. Khi suy thận cấp, chức năng thận có thể hồi phục được. Suy thận mạn là chức năng thận suy giảm dần và cuối cùng mất hoàn toàn. Lúc này, cần có các biện pháp điều trị hỗ trợ cho chức năng thận thì cơ thể mới sống được.
Có thể kể đến các nguyên nhân gây suy thận: bệnh tiểu đường (chiếm 40%-45%), huyết áp cao, các bệnh lý cầu thận, bệnh thận đa nang, sỏi niệu, nhiễm khuẩn niệu như viêm bể thận, dị tật bẩm sinh của hệ tiết niệu…; một số thuốc như: thuốc kháng viêm không steroid, thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc kháng lao, thuốc ung thư, hóa chất, thuốc cản quang…
Không tự ý uống thuốc bắc, thuốc nam
Theo BS Phương Dung, thông thường, bệnh thận mạn ít có triệu chứng báo hiệu sớm. Nhiều bệnh không phải tại thận nhưng có triệu chứng tương tự bệnh thận khiến dễ nhầm lẫn (đau cột sống, bệnh cơ quan sinh dục…). Trong khi đó, bệnh thận lại có thể có nhiều triệu chứng khiến người bệnh không nghĩ đến bệnh tại thận. Người bị tiểu đường, tăng huyết áp, tiểu đạm hoặc các bệnh sỏi niệu… nên đi khám định kỳ để được theo dõi và phát hiện sớm suy thận.
Các chuyên gia lưu ý những người có nguy cơ cao, lớn tuổi nên có chế độ ăn giảm đạm, giảm muối, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, không uống nhiều rượu, không tự ý uống thuốc; nên khám định kỳ hằng năm để kiểm tra tiểu đường, tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, máu nhằm phát hiện sớm bệnh thận mạn. Nếu đã bị suy thận ở mức độ chưa phải lọc máu thì cần tuân thủ tái khám BS chuyên khoa thận học nhằm kéo dài thời gian không lọc máu.
Đặc biệt, khi đã suy thận thì không nên tự ý uống thuốc bắc, thuốc nam. BV Nhân dân 115 đã cấp cứu nhiều trường hợp đang điều trị bệnh thận mạn ở giai đoạn chưa phải lọc máu nhưng do bệnh nhân tự uống thuốc bắc nên sau đó phải vào lọc máu cấp cứu.
Nhiều cơ quan bị tổn thương
Triệu chứng của suy thận thể hiện trên nhiều cơ quan bị tổn thương: Tổn thương da như ngứa, sẩn, xám nhợt nhạt; thiếu máu, mệt mỏi; phù, thiểu niệu có khi vô niệu; rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; triệu chứng của tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp, viêm màng trong tim; thần kinh cơ: chuột rút, yếu cơ, hôn mê; tổn thương xương như loãng xương.
Bình luận (0)