Vừa qua, dư luận quan tâm đến việc bé gái K.H (ở một tỉnh thuộc ĐBSCL) có những biểu hiện dậy thì như tuyến vú phát triển, có kinh nguyệt khi mới… 2 tuổi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Phó trưởng Khoa Thận – Nội tiết của Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), nơi tiếp nhận điều trị cho bé K.H, trường hợp trẻ nhỏ dậy thì sớm hiện không còn là chuyện hiếm gặp.
Thường gặp ở bé gái
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc dậy thì sớm. Trẻ em ở những vùng gần xích đạo, đồng bằng, thành thị thường dậy thì sớm hơn trẻ ở những khu vực khác. Cuộc sống hiện đại chứa đựng những yếu tố nguy cơ: Thực phẩm chứa chất tăng trưởng, tăng trọng; các nguồn ánh sáng nhân tạo như tivi, máy vi tính, đặc biệt là màn hình tinh thể lỏng; các nội dung, hình ảnh quan hệ của người lớn... đều có thể tác động đến trẻ, gây ra hiện tượng này. Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn là bé trai. Bác sĩ Thúy cảnh báo rằng những em béo phì, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp cũng thuộc nhóm có nguy cơ dậy thì sớm.
Bác sĩ Thọ phân tích: Dậy thì sớm ở trẻ gồm hai loại thật và giả. Dậy thì thật có thể do các nguyên nhân nêu trên và phụ thuộc vào gonadotropin - một loại hoóc-môn sinh dục, có nghĩa là thần kinh trẻ thức tỉnh sớm và có hoóc-môn này. Dậy thì giả không phụ thuộc gonadotropin và có thể do các khối u buồng trứng, tinh hoàn tiết ra estrogen và testosterone, gây ra hiện tượng hệ thần kinh trung ương vẫn “ngủ” mà ngoại vi đã “thức”; các u tuyến thượng thận cũng có thể gây ra tình trạng này.
Không tự điều trị ở nhà
Dậy thì sớm dễ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ vì các em còn trong tuổi ăn, tuổi chơi mà cơ thể đã phát triển như người lớn, khác biệt với bạn bè... Sự phát triển thể chất cũng bị hạn chế. Trong giai đoạn tiền dậy thì, trẻ gái có thể cao lên khoảng 25 cm/năm, trẻ trai khoảng 28 cm/năm. Nếu dậy thì quá sớm, trẻ chưa kịp cao lên đã bị các hoóc-môn sinh dục làm thúc đẩy quá trình hàn sụn tiếp hợp và ngưng cao. Đối với các bé gái, việc cơ thể đã phát triển như thiếu nữ khi tuổi đời còn quá non nớt khiến các em dễ bị xâm hại tình dục.
Dậy thì ở tuổi 9-14 cũng cần lưu ý Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoàng, Phó trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Từ Dũ, cho biết nhiều trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn phải đến bệnh viện để phá bỏ, trong đó có những bé mới 12 - 13 tuổi; có cháu đến bệnh viện còn vùng vằng, làm nũng với mẹ… Đó là những hình ảnh đau lòng. Ngoài trẻ được chẩn đoán dậy thì sớm (dưới 8 tuổi) thì các em ở tuổi 9 - 14 đã phát triển như thiếu nữ cũng rất cần được quan tâm. Ở tuổi này, sinh lý phát triển nhưng các em chưa đủ chín chắn để biết kiềm chế bản thân, chưa hiểu biết về tình dục an toàn. Vì thế, nên giáo dục giới tính cho trẻ từ tuổi lên 10 để giúp các em không lỡ lầm và không trở thành nạn nhân của việc lạm dụng tình dục. |
Bình luận (0)