Bệnh nhân tên Võ Thanh T. (SN 1979; ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).
Trước đó, vào ngày 10-4, bệnh nhân đang làm việc thì đột ngột ngừng tuần hoàn nên được chuyển đến Bệnh viện huyện Cờ Đỏ cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn hô hấp ngoại viện, M=0, HA=0, tím tái toàn thân.
Bệnh nhân T. thoát chết ngoạn mục nhờ chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ là ưu tiên cứu người trước, chi phí tính sau
Hơn 50 phút cấp cứu tích cực khẩn trương mới duy trì được nhịp tim, huyết áp. Bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ điều trị tiếp.
Lúc này, bệnh nhân còn hôn mê, phải sử dụng thuốc vận mạch liều cao để duy trì huyết áp, phải thở máy để duy trì hô hấp… Ê-kíp cấp cứu nhận định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim cấp biến chứng rung thất, ngừng tuần hoàn nên đã khẩn trương tiến hành hồi sức chuyên sâu sau ngừng tuần hoàn; đồng thời hội chẩn cấp bệnh viện, ý kiến ban giám đốc chỉ đạo làm mọi cách tốt nhất cho bệnh nhân và phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa để cứu sống bệnh nhân trước, chi phí tính sau.
Ê-kíp tim mạch can thiệp nhanh chóng tiến hành chụp và can thiệp mạch vành cho bệnh nhân. Kết quả bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đoạn giữa nhánh động mạch liên thất trước (LAD II) do huyết khối và mảng xơ vữa. Thủ thuật hút huyết khối và can thiệp đặt stent tái thông mạch vành được thực hiện thành công.
Lúc can thiệp thành công cũng là lúc các bác sĩ, phòng công tác xã hội của bệnh viện bắt đầu kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân T.
Hiện tại, bệnh nhân đã ngưng được các thuốc vận mạch, đã rút ống nội khí quản và tự thở được, hoàn toàn tỉnh táo và được chuyển đến khoa tim mạch can thiệp theo dõi điều trị tiếp.
BS CKII Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết điều trị bệnh nhân ngưng tim ngoài bệnh viện cần tối ưu hóa và phối hợp hồi sức tim phổi, điều trị sau hồi sức tim phổi, đặc biệt là tái thông mạch vành khẩn nếu bệnh nhân có nhồi máu cơ tim. Vì đây là nhóm bệnh nhân rất nặng và tử vong cao, nên trong một số trường hợp các nhà lâm sàng cần đánh giá nhanh và đúng các chỉ định can thiệp. Sự thành công có được là do điều trị cấp cứu nhanh chóng và kịp thời của tuyến trước.
Theo gia đình, khi bệnh nhân vào Bệnh viện Cờ Đỏ, bác sĩ cho biết cơ hội sống chỉ 1% khiến gia đình rất lo lắng. Khi đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần thơ, biết tình trạng bệnh cũng như chi phí can thiệp thì gia đình gần như muốn buông xuôi. Bởi lẽ, bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, là lao động chính trong gia đình. Hằng ngày, ông T. đi làm thuê, không có thẻ bảo hiểm y tế.
Gần như toàn bộ kinh phí điều trị của bệnh nhân đã được các mạnh thường quân hỗ trợ.
Bình luận (0)