Trần Thu Vân (Thái Bình) hỏi: Tôi 24 tuổi và bị cận 3,5 đi-ốp. Trước đây, tôi có đeo kính gọng nhưng gần đây vì tính chất công việc nên tôi thường xuyên sử dụng kính áp tròng và thấy rất tiện lợi, thẩm mỹ. Tôi nghe nói đeo kính này liên tục sẽ không tốt?
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, trả lời: Hiện nay, nhiều người thích sử dụng kính áp tròng, không chỉ để khắc phục tật của mắt mà còn là sự lựa chọn thời trang, nhất là giới trẻ. Đối với việc sử dụng kính áp tròng thì việc quan trọng nhất là vệ sinh (ngâm) kính đúng cách và cần sử dụng loại dung dịch chuyên dụng để ngâm. Nhiều người có thói quen dùng lại dung dịch ngâm kính cũ. Đây là sai lầm vì sẽ làm kính bị nhiễm trùng gây kích ứng mắt. Hơn nữa, cũng cần lưu ý trước khi tháo lắp kính phải rửa tay sạch; có khá nhiều người thường quên rửa tay hoặc thường bỏ qua công đoạn này. Cũng phải nói thêm ngay cả khi ngâm rửa đúng cách, sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc thì người dùng vẫn có nguy cơ bị các bệnh ảnh hưởng đến giác mạc, làm giảm thị lực do đeo kính áp tròng, dù tỉ lệ này không cao.
Dù kính áp tròng trở thành một trào lưu nhưng không phải ai cũng có thể đeo kính áp tròng. Nếu muốn đeo kính áp tròng, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và tư vấn. Bệnh nhân cần làm giác mạc đồ để tính toán độ cong của giác mạc, nhằm chọn được cặp kính vừa nhất. Một số trường hợp không nên dùng kính áp tròng như: người bị khô mắt, người viêm nhiễm mạn tính tại mi và giác mạc, người không thể thao tác với kính áp tròng hoặc có cảm giác ghê sợ khi đeo kính này.
Khi đeo kính áp tròng hay kính gọng cần thường xuyên đi kiểm tra mắt theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu mắt có biểu hiện bất thường (cộm, đỏ, ngứa, rát...) cần đi khám và điều trị kịp thời. Không dùng chung kính áp tròng với người khác vì đây là một trong những nguyên nhân lây lan các vấn đề về mắt. Đặc biệt, nếu kính bị rách hay trầy xước thì phải bỏ ngay lập tức. Không nên sử dụng các loại kính áp tròng trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì có thể gây ra các bệnh nguy hiểm cho mắt.
Bình luận (0)