Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương, cho biết trong vòng hơn 1 tháng qua, BV này tiếp nhận tới 3 trường hợp bị bỏng mắt vì nghịch gói chống ẩm bánh gạo. Trong số này, chỉ có bé P.H.V, 3 tuổi, ở Hải Dương, nhập viện tuần qua may mắn không bị mù mắt bởi hóa chất trong gói chống ẩm này. Tuy nhiên, bé V. có thể phải mang sẹo suốt đời vì bị bỏng giác mạc.
Tai nạn thương tâm
Chăm con gái tại BV, cha bé V. day dứt: “Tôi không nghĩ là gói chống ẩm nguy hiểm đến thế…”. Trước đó ít ngày, một bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình cũng nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn mắt do bị dị vật đâm phải. Theo người nhà cháu bé, nhà có người ốm nên kim tiêm để ngay vị trí dễ lấy, không ngờ cháu lấy ra làm “súng phun nước”. Trong lúc nghịch ngợm, mũi kim sắc nhọn ấy đã đâm thẳng vào mắt cậu bé và có nguy cơ gây mù.
Cách đây không lâu, Viện Bỏng Quốc gia cũng tiếp nhận một bệnh nhi mới 6 tháng tuổi ở Nghệ An trong tình cảnh hết sức thương tâm khi mà cơ thể non nớt ấy bị phỏng tới 50%, tinh thần bị kích động, vật vã, quấy khóc. Theo mẹ cháu bé những ngày đầu tháng 1 vừa qua, khi trời trở lạnh, để sưởi ấm cho con gái, người mẹ 19 tuổi ấy đã đốt củi thành than để dưới gầm giường rồi ra làm vườn. Đến khi nghe tiếng con khóc thét, chị vội vã chạy vào thì thấy con gái vật vã trong đống lửa. Dù qua cơn nguy kịch nhưng do diện tích bị phỏng nặng nên sau này, cháu còn phải thực hiện rất nhiều đợt phẫu thuật nữa.
Tránh những tai nạn đáng tiếc
Theo điều dưỡng Nguyễn Văn Uy, Khoa Khám bệnh cấp cứu - BV Việt Đức, thỉnh thoảng các bác sĩ tại đây lại tiếp nhận vài bệnh nhi bị nạn. Nguyên nhân một phần do trẻ hiếu động, thích khám phá nhưng chủ yếu là do phụ huynh hoặc người trông trẻ bất cẩn.
Một số bác sĩ nhi cho biết từng gặp nhiều ca chấn thương cổ họng, mũi, lỗ tai do chơi đùa với những đồ chơi mang tính bạo lực như dao găm, mũi tên, súng nhựa có đạn bằng kim khí..., hay nhiều trẻ thủng màng nhĩ, mù mắt do những vật bình thường. Kiểu tai nạn này thường bắt nguồn từ việc người lớn thiếu quan tâm đến con cái, thấy trẻ chơi đùa thế nào cũng bỏ mặc, không biết rằng đồ chơi hay vật dụng có thể là tác nhân gây nguy hiểm.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi - BV Bạch Mai, cảnh báo ngoài những tai nạn từ nước sôi, điện giật, té ngã… thì số trẻ em bị hóc dị vật đường thở trong dịp Tết bao giờ cũng tăng hơn ngày thường. Nguyên nhân do trẻ ăn kẹo, các loại thạch, hoa quả, các loại hạt, đồ chơi sắc nhọn và nhỏ... Nhiều trẻ vừa ăn vừa đùa nghịch khiến dị vật rơi vào đường thở làm tắc nghẽn, gây tử vong hoặc viêm phổi kéo dài nếu không xử trí kịp thời.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy 25% trường hợp tử vong là do tai nạn thương tích, trong số này nguyên nhân gây tử vong cho trẻ phần lớn là từ sự bất cẩn của người lớn.
Giới chuyên môn cho rằng tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với trẻ nhỏ nên người lớn luôn phải chú ý tới trẻ, tuyệt đối không cho chơi các đồ chơi có thể nhét vừa vào miệng. Đặc biệt, trong những ngày Tết, trẻ em được nghỉ dài ngày, nếu không có người giám sát, nguy cơ tai nạn cũng đến nhiều hơn. Theo bác sĩ Hoàng Cương, Tết là lúc dễ xảy ra những chấn thương cho mắt do những loại đồ chơi không an toàn hoặc do bất cẩn trong lúc vui chơi. “Dịp lễ, Tết, trẻ thường nhận được đủ loại quà, trong đó có cả súng đồ chơi, phi tiêu và dụng cụ thể thao..., tất cả đều tiềm ẩn nguy hiểm”- bác sĩ Cương cảnh báo.
Đừng để trẻ một mình với thang cuốn! Giới chuyên môn lưu ý ngoài những tiện ích thì hệ thống cầu thang cuốn tại các siêu thị, trung tâm thương mại cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn cho người sử dụng, đặc biệt là các em nhỏ. Sự chuyển động của cầu thang máy, cầu thang cuốn không chỉ cuốn hút sự tò mò của trẻ mà trong quá trình máy vận hành, trẻ có thể ngã hoặc do hiếu động nên đút chân, tay vào các khe cuộn hai bên cầu thang, giữa hai bậc cầu thang, rất dễ bị kẹp. Do đó, với những trẻ dưới 6 tuổi, phụ huynh nên bế hoặc giữ các em khi sử dụng thang cuốn. |
Bình luận (0)