Gia đình người thanh niên nói trên đã tình nguyện hiến tạng của con mình để ghép cho 4 người bệnh đang trong cơn nguy kịch. Trong đó, 2 người cần ghép thận, một người cần ghép gan và một người cần ghép tim. Điều khó khăn là cả 4 ca ghép này phải tiến hành cùng lúc. Bất cứ một sơ sót nào cũng phải trả giá đắt là chính sinh mạng của người bệnh.
Tháng 5-2010, lần đầu tiên chỉ trong vòng 2 tuần có 3 bệnh nhân chết não tình nguyện hiến tạng. BV Việt Đức đã tiến hành ghép tạng cho 6 người bị suy thận nặng, 2 người được ghép van tim, 1 người được ghép gan và 4 người được ghép giác mạc.
Bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Khoa Phẫu thuật Gan mật - BV Việt Đức, cho biết BV đã thành lập cả một nhóm có tên là “Vận động hiến tạng” và mỗi khi được thông báo có trường hợp chết não, các bác sĩ trong nhóm lập tức tiếp xúc với thân nhân người bệnh, vừa chia sẻ nỗi mất mát của họ vừa vận động hiến tạng chỉ vì mục đích cứu sống những người bệnh khác.
Hy vọng thay đổi nhận thức
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết: “Khi có thêm một người mở lòng, thoát khỏi những rào cản tâm lý để hiến tạng cho y học là họ đã cứu sống rất nhiều mạng người. Quan trọng hơn là cả xã hội dần dần sẽ hình thành nhận thức mới về vấn đề cho tạng”.
Là một người đã từng thuyết phục gia đình nạn nhân chết não hiến tạng, Thiếu tướng - GS-TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết: “Đặt vấn đề xin một bộ phận trên cơ thể người đã khuất (với người thân của họ) là việc dường như không tưởng. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi vận động gia đình nạn nhân. Những cuộc thương thuyết đều nặng trĩu, có nhiều khoảng lặng đến nghẹt thở; người thầy thuốc chỉ muốn làm thế nào để cứu được nhiều người”.
TS Hà Phan Hải An, Trưởng Khoa Thận - Lọc máu BV Việt Đức, kể một câu chuyện đau lòng: Năm 2010, ở BV Việt Đức có trường hợp: Trong một nhà người em bị suy thận đang chờ ghép thận mà chưa có, người anh bị tai nạn giao thông chết não, vợ con của người anh đã đồng ý cho lấy thận của người anh ghép cho em trai nhưng trong gia đình đó có người không đồng ý với lý do “chết phải toàn thây” nên cuối cùng người anh vẫn chết, còn người em thì cũng mòn mỏi, tuyệt vọng chờ… ngày ra đi.
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, điều dưỡng viên BV Việt Đức, trở ngại lớn nhất đối với việc hiến tạng ở Việt Nam là quan niệm muốn người chết được “yên thân”; lấy đi một phần thân thể của người dù đã chết là việc khó có thể chấp nhận.
Quy trình nghiêm ngặt
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết phân tích: “Muốn lấy được tạng ở người chết não, phải có hội đồng chuyên môn về tư vấn chết não và hội đồng này phải có bác sĩ pháp y, thần kinh và bác sĩ gây mê hồi sức. Người chết não phải là người bị tai nạn chấn thương sọ não hoặc bị tai biến về mạch máu não. Người chết não phải được hội đồng kiểm tra, xem xét. Về mặt lâm sàng là mất hết các phản xạ sống; còn về cận lâm sàng, chụp mạch máu không có máu lên não nữa, siêu âm doppler xuyên sọ không có phổ của mạch máu… Chỉ khi hội đồng kết luận bệnh nhân chết rồi và được phép của gia đình thì mới tiến hành ghép. Đặc biệt, phải tuân thủ nguyên tắc người cho không biết thông tin về người nhận và người nhận cũng không biết nguồn từ người cho là ai”. |
Bình luận (0)