xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHỮNG ĐÔI TAY VÀNG của NGÀNH Y (*): Mang lại niềm vui, sự hạnh phúc

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

Trong khi TS-BS CKII Lê Văn Tuấn nổi tiếng mát tay khi giúp các cụ U100 có thể đi lại được sau tai nạn thì ThS-BS Cao Hữu Thịnh lại mang đến tiếng cười trẻ thơ cho nhiều gia đình hiếm muộn

"Sau khi thay khớp háng, mẹ tôi đã đi được, tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ. Cụ bảo phải sống thêm 20 năm nữa để vui cùng con cháu" - bà Ngọc Hoa (quê Long An) vui mừng khi nói về mẹ mình.

Qua cơn hoạn nạn ở tuổi xế chiều

Ngày 18-10-2022, bà Hoa đưa mẹ là cụ Nguyễn Thị Ngươn (101 tuổi) đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) trong tình trạng gãy tay, gãy cổ xương đùi. Nằm trong phòng cấp cứu, cụ Ngươn kể với con gái: "Đang ngồi trên giường, chờ mấy đứa cháu đi học về tự nhiên người ngã ngang. Mấy đứa đưa vô bệnh viện, giờ chờ bác sĩ tới coi sao rồi".

NHỮNG ĐÔI TAY VÀNG của NGÀNH Y (*): Mang lại niềm vui, sự hạnh phúc - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Văn Tuấn hỏi thăm sức khỏe một cụ bà quê Bình Định bị té gãy xương đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM)

Sau hội chẩn, cụ Ngươn được các bác sĩ chỉ định thay khớp háng. "Lúc nghe mẹ bị gãy tay, gãy chân, chúng tôi rất lo lắng vì cụ đã hơn 100 tuổi rồi. Nhưng sau khi được các bác sĩ tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe của mẹ ổn định, có khả năng phục hồi tốt nên mấy anh em đã thống nhất để cụ được phẫu thuật" - bà Hoa nhớ lại.

Đến nay, sau 4 tháng được thay khớp háng, cụ Ngươn đã tự đi trong nhà mà không cần người dìu. "Thấy sức khỏe của mẹ tốt lên, chúng tôi vui lắm, không biết phải nói như thế nào để cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tận tình giúp đỡ" - bà Hoa bày tỏ.

Cách đây không lâu, ngày 14-12-2022, cụ Nguyễn Thị Chính (90 tuổi, quê Trà Vinh) với tay lấy nón lá treo trên tường thì bị hụt chân ngã và gãy cổ xương đùi phải. Cụ Chính được chuyển viện từ Trà Vinh lên Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. "Sau khi theo dõi tình hình sức khỏe, bác sĩ chỉ định mẹ tôi phải thay khớp háng. Gia đình rất lo lắng vì mẹ từng có thời gian nằm viện do cắt túi mật. Bản thân cụ cũng rất sợ khi nghe đến chuyện mổ xẻ" - bà Phượng (con gái cụ Chính) cho biết.

Sau khi được các bác sĩ động viên, cụ Chính đồng ý phẫu thuật. Tuy nhiên, khi vào phòng mổ, có lẽ vì lo lắng nên tim cụ Chính đập nhanh khiến ca phẫu thuật phải hoãn lại, chuyển ngày khác.

Sau khi được thay khớp háng, cụ Chính nói với con gái: "Lúc lên bàn mổ mẹ lo lắm, không biết sức mình có chịu nổi không. Lúc đẩy mẹ vào phòng mổ, mấy bác sĩ nói mẹ cố gắng lên, rất nhiều cụ trăm tuổi thay khớp háng xong khỏe re. Vô đó nói vài câu xong, mẹ mê lúc nào không hay, đến khi mở mắt ra thì thấy được các con, mừng muốn khóc".

Đến nay, sau 2 tháng thay khớp háng, cụ Chính đã tự chống gậy đi đứng trong nhà. Thậm chí, cụ còn đòi vào bếp kho cá cho các cháu nội - ngoại.

"Lúc đưa mẹ đi cấp cứu, lòng tôi như lửa đốt. Thấy mẹ đau mà lòng mình quặn thắt. Nghe nói người già bị gãy xương rất khó lành nên tôi lo cụ phải chịu cảnh nằm một chỗ, đau đớn trong những năm cuối đời. May mắn, mẹ tôi được các bác sĩ điều trị thành công. Tôi cảm ơn các bác sĩ với lòng kính trọng vô bờ" - chị Phượng bày tỏ.

Bác sĩ phẫu thuật kiêm chuyên gia tâm lý

Cụ Ngươn và cụ Chính là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân lớn tuổi bị chấn thương, gãy xương được cấp cứu, điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy mấy năm gần đây. TS-BS CKII Lê Văn Tuấn, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Chợ Rẫy, được biết đến là người rất mát tay với các ca phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối cho các cụ U100.

Theo bác sĩ Tuấn, với những bệnh nhân lớn tuổi, tùy theo tình hình sức khỏe của họ, nếu các chuyên khoa của bệnh viện đánh giá có khả năng hồi phục thì sẽ quyết định mổ vì so với điều trị bảo tồn (không phẫu thuật), lợi ích lớn hơn bởi thời gian điều trị nhanh; sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể ngồi dậy, đi lại… chứ không phải nằm mãi trên giường.

"Có rất nhiều cụ trên dưới 100 tuổi đã điều trị thành công sau tai nạn gãy cổ xương đùi. Có cụ trên 90 tuổi cũng thay khớp gối. Sau phẫu thuật, họ đều có cuộc sống vui vẻ, chất lượng hơn" - bác sĩ Tuấn thông tin.

Theo bác sĩ Tuấn, với những bệnh nhân trên 90 tuổi, khi nghe đến chuyện mổ xẻ, con cháu trong gia đình thường rất e ngại. "Có trường hợp các cụ U100, thậm chí 105 tuổi, bị gãy xương, bác sĩ chỉ định mổ. Tuy nhiên, trong gia đình có người đồng ý, có người không. Chúng tôi phải tiếp xúc từng người, giải thích lợi ích và nguy cơ trong quá trình phẫu thuật và thuyết phục họ đồng ý phẫu thuật.

"Ngoài ra, trường hợp người cao tuổi bị gãy xương đùi thường có bệnh nền về tim mạch, phổi, đái tháo đường, thận… Những người này nghe đến mổ lại càng e ngại vì sợ biến chứng. Tuy nhiên, đặc điểm gãy cổ xương đùi là rất đau, nếu điều trị bảo tồn thì sẽ nằm lâu dẫn đến những biến chứng như loét, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu… từ đó khiến bệnh nền chuyển nặng, tỉ lệ tử vong rất cao.

"Với những trường hợp này, chúng tôi sẽ giải thích kỹ lưỡng cho từng người nhà hiểu về các nguy cơ cũng như lợi ích khi phẫu thuật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên trò chuyện, động viên bệnh nhân để họ có tinh thần thoải mái, hợp tác điều trị với bác sĩ. Bởi lẽ, trước khi phẫu thuật, họ còn phải tập vật lý trị liệu, điển hình là tập thở để tránh suy hô hấp sau mổ" - bác sĩ Tuấn phân tích. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-2

"Bác sĩ Lê Văn Tuấn tiết lộ: “Trò chuyện, động viên và chia sẻ sự đau đớn, lo lắng là liều thuốc tuyệt vời giúp bệnh nhân - đặc biệt là những cụ U100 - bước vào cuộc phẫu thuật một cách nhẹ nhàng, từ đó sức khỏe tiến triển tốt, giúp việc hồi phục được nhanh chóng”.

"Ông đỡ mát tay" của gia đình hiếm muộn

17 năm gắn bó với chuyên ngành sản khoa, thụ tinh nhân tạo, ThS-BS Cao Hữu Thịnh được nhiều người biết đến với tên gọi "ông đỡ mát tay" của nhiều gia đình hiếm muộn.

Cách đây 10 năm, bác sĩ Thịnh là người đã điều trị hiếm muộn và đỡ đẻ thành công cho ca sinh 5 duy nhất ở Việt Nam. Bác sĩ Thịnh cho biết chị L.H.A.T bị hiếm muộn do buồng trứng đa nang. Ông đã can thiệp bằng cách kích trứng và hướng dẫn vợ chồng quan hệ tự nhiên.

"Sau đó, chị T. đậu thai nhưng khi siêu âm lại mang đa thai, dù đã được tư vấn các rủi ro và khuyên giảm thai nhưng gia đình không chịu nên tôi đành hồi hộp theo gia đình. Thành công đã mỉm cười khi cả 5 bé (3 trai, 2 gái) chào đời khỏe mạnh" - bác sĩ Thịnh kể.

14-box

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị T. là một trong hàng ngàn ca được bác sĩ Thịnh điều trị hiếm muộn. Bác sĩ Thịnh cho biết trung bình 1 năm, ông thực hiện khoảng 5.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó tỉ lệ đậu thai khoảng 60%-70%. Như vậy, khoảng 3.000 trẻ chào đời nhờ phương pháp này. Không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các gia đình hiếm muộn, ông còn là người cứu vãn nhiều cuộc hôn nhân bên bờ vực đổ vỡ.

"Nhiều trường hợp sau khi thăm khám chỉ cần điều trị bằng thuốc, hướng dẫn chế độ sinh hoạt vợ chồng, ăn uống... đã có thể mang thai mà không cần can thiệp" - bác sĩ Thịnh nói và cho biết đây cũng là điều ông hướng đến khi điều trị hiếm muộn. Bởi theo ông, trong hàng ngàn bệnh nhân điều trị, không ít người có hoàn cảnh khó khăn, trong khi chi phí điều trị hiếm muộn so với mặt bằng thu nhập của người Việt rất cao (80-90 triệu đồng).

Nói về cơ duyên đến với chuyên ngành sản phụ khoa, bác sĩ Thịnh cho biết mẹ ông bị ung thư cổ tử cung. Sau khi mẹ mất, ông theo ngành y như ý nguyện của mẹ và chọn sản khoa. "Tốt nghiệp đại học, tôi vào làm tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Được bệnh viện tin tưởng, tạo điều kiện nên tôi sang Pháp học về phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, trở về, tôi vẫn muốn theo sản khoa nên lại tiếp tục gắn bó đến bây giờ" - bác sĩ Thịnh kể.

Bác sĩ Thịnh bày tỏ trăn trở khi các thông tin về điều trị hiếm muộn còn hạn chế. Rất nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, thậm chí ở các vùng đảo, đến gặp ông thăm khám sau khi chịu cảnh hiếm muộn rất nhiều năm.

"Nhiều bệnh nhân đến khám rất đau lòng - chồng không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu, còn trứng của người vợ yếu hoặc suy giảm chất lượng do lớn tuổi hay có nhiều bệnh lý kèm theo. Nếu họ đến sớm hơn thay vì để mười mấy năm mới đến khám thì quá trình điều trị cũng dễ dàng hơn" - bác sĩ Thịnh tiếc nuối.

Để nhiều người không bỏ lỡ cơ hội được làm cha mẹ, bác sĩ Thịnh lập kênh TikTok chia sẻ những thắc mắc về hiếm muộn nhằm cung cấp kiến thức cho mọi người. "Khi hiểu về kiến thức sinh sản, họ sẽ sớm điều trị khi bị hiếm muộn, như vậy hiệu quả cao hơn mà chi phí cũng thấp hơn" - bác sĩ Thịnh giải thích.

HẢI YẾN

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo