Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, vừa công bố các số liệu nêu trên và cho rằng điều đáng lo nhất là số vụ ngộ độc thực phẩm gần đây do độc tố tự nhiên xảy ra dồn dập trên cả nước. Trong đó, hầu hết các trường hợp tử vong là do sử dụng thực phẩm có độc tố tự nhiên như thịt cóc, ốc biển lạ, cá nóc, rượu ngâm cây rừng, vi nấm...
Vụ ngộ độc mới nhất xảy ra cách đây một tuần tại Bình Định do ăn cá nóc làm 1 người chết tại chỗ và 2 trường hợp phải nhập viện. Những cái chết do ăn cá nóc như thế đã nối dài thêm các vụ ngộ độc tương tự ở nhiều địa phương như Bình Thuận, Phú Yên, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu... Bộ Y tế đã nhiều lần khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên sử dụng cá nóc làm thực phẩm song những hồi chuông đó dường như chưa đủ vang xa để thức tỉnh cộng đồng.
Cũng mới đây, tại TP HCM, sau khi lót dạ bằng món cháo nấm bán trước cổng công ty để chuẩn bị vào ca, hơn 20 công nhân của một doanh nghiệp may mặc tại quận 6 đã nhập viện cấp cứu do đau đầu, chóng mặt, nôn ói dữ dội, vật vã, có người ngất xỉu... Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM, nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe người lao động ở thành phố. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, đã có 600 người phải vào viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm.
Thời gian qua, công tác tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được chú trọng, nhiều biện pháp “siết” an toàn thực phẩm từ cấp trung ương đến địa phương đã được triển khai. Thế nhưng, ngộ độc thực phẩm vẫn cứ xảy ra và mối lo âu trong cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ai cũng biết tổn thương do ngộ độc thực phẩm rất đáng sợ. Nếu là ngộ độc cấp tính nhẹ và được xử lý kịp thời, sức khỏe bị hao tổn ít song tình trạng ngộ độc lâu dài (mạn tính) sẽ gây tác hại nhiều mặt vì cơ thể tích tụ độc chất dần dần, tạo ra những “kẻ giết người âm thầm” ngay trong cơ thể.
Năm 2014 sắp qua. Từ nay đến Tết Âm lịch, khi nhu cầu về thực phẩm tăng lên thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm rõ ràng sẽ càng cao.
Bình luận (0)