Những tưởng ngày Tết là khoảng thời gian được sum họp, nghỉ ngơi bên gia đình, nhưng với tấm lòng lương y như từ mẫu, nhiều y, bác sĩ tiếp tục xung phong ở lại bệnh viện tạm quên đi niềm vui riêng để chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19.
Sẵn sàng gác Tết để bệnh nhân về nhà
Hơn nửa năm không về quê nhà Kiên Giang, nhưng với suy nghĩ còn trẻ, còn khỏe và với tâm đức của người thầy thuốc bác sĩ Gia Bảo, hiện đang học nâng cao tại Bệnh viện Da liễu TP HCM đã xung phong đăng ký vào Bệnh viện Dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 và đón giao thừa cùng đồng nghiệp của mình.
Bác sĩ Gia Bảo được tặng chữ thư pháp trong buổi tiệc tất niên cuối năm do Bệnh viện Da Liễu TP HCM tổ chức cho các y, bác sĩ, lực lượng tình nguyện đón xuân tại bệnh viện
"Bệnh viện dã chiến số 12 là nơi tiếp nhận những trường hợp nhập cảnh, mắc Covid-19 nghi nhiễm hoặc nhiễm Omicron. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại đây, nhiều bệnh nhân là kiều bào về quê đón Tết nhưng không may mắc Covid-19 nên họ phải vào đây điều trị. Họ vượt hàng ngàn cây số về sum vầy với gia đình nhưng khi vào đây họ cũng rất tuân thủ các quy định của ngành y tế. Đặc biệt, họ đặt niềm tin vào y, bác sĩ tại đây nên thường xuyên chia sẻ những vui buồn của mình. Đây cũng là động lực để tôi cùng các đồng nghiệp cố gắng giúp họ sớm xuất viện về với gia đình" – bác sĩ Gia Bảo tâm sự.
"Các bệnh nhân nhập cảnh nhiều người là kiều bào vượt hàng ngàn cây số về quê sum vầy với gia đình nhưng không may mắc bệnh nên mình càng phải làm tốt công việc của mình để họ sớm đoàn tụ với người thân" - bác sĩ Gia Bảo tâm tình.
Bác sĩ Bảo chia sẻ thêm mỗi một ca trực tại bệnh viện kéo dài 24 giờ. Thông thường, các chuyến bay nhập cảnh thường vào buổi tối nên công việc thường xuyên phải làm lúc đêm. Khi bệnh nhân đến bất kể giờ giấc các y, bác sĩ có mặt ngay lập tức để nhận bệnh. Cùng với đó, thăm khám, tư vấn và điều trị nếu bệnh nhân nào cần dùng thuốc sẽ phải xử lý ngay.
"Mỗi ca trực kéo dài khoảng 1 ngày đêm nên tranh thủ những lúc rảnh tôi cũng gọi về cho gia đình thăm hỏi mọi người. Tối hôm qua, nhận được điện thoại mà mẹ tôi chỉ quay nửa mặt dưới vì khóc nhớ con. Tết năm nào tôi cũng đón giao thừa ở nhà, nhưng năm nay vì dịch bệnh mình đành gác lại niềm vui riêng, phải động viên gia đình để mọi người an tâm. Bởi chỉ cần người bệnh khỏe, mọi người bình an là thấy Tết" – bác sĩ Bảo bày tỏ.
Còn với bác sĩ Võ Tấn Lực, hiện đang tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa Hồi sức gây mê, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, TP Thủ Đức, TP HCM) cảm thấy vui mừng vì sau những ngày tháng dịch bệnh khốc liệt, ngày hôm nay mọi người vẫn nhìn thấy nhau khỏe mạnh, dịch bệnh tại TP cũng đã kiểm soát khi nhiều tuần liên tiếp TP là vùng xanh. Đặc biệt, Tết năm nay, anh và các đồng nghiệp sẵn sàng gác Tết để lo cho bệnh nhân.
"Những ngày giáp Tết như bây giờ, các y, bác sĩ ở đây vẫn đang cố gắng theo dõi các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có cải thiện hay không để đánh giá sức khỏe giúp họ được sớm về sum họp với gia đình. Các bệnh nhân ở đây đa phần lớn tuổi, nằm ở đây họ nhớ con cháu lắm, làm sao để họ nhanh về với gia đình nhanh nhất cũng là niềm vui của chúng tôi. Hi vọng năm sau không có bệnh nhân Covid-19 nào phải ăn Tết ở bệnh viện nữa" – bác sĩ Lực xúc động nói.
2 năm ăn Tết ở bệnh viện
Bác sĩ Lâm Tuấn Khanh hiện công tác tại Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP HCM và đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 12, cho biết 2 năm qua, kể từ khi lấy vợ anh đều đón Tết trong bệnh viện cùng bệnh nhân.
Bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) tiếp nhận bệnh nhân
Bác sĩ Khanh tâm sự Tết ai cũng muốn sum vầy bên gia đình. Nhưng lúc này, dịch bệnh xảy ra là điều không ai muốn, vì vậy với tâm thế của người làm nghề y, mọi người luôn sẵn sàng tác chiến.
"Chỉ cần mọi người cùng nhau cố gắng, tôi tin sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh. Lúc ấy, chúng tôi sẽ đi chơi bù" – bác sĩ Khanh hóm hỉnh nói.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm những bệnh nhân nhập viện đa phần họ là kiều bào ở các nước về Việt Nam đón tết cùng gia đình nhưng không may nhiễm bệnh. Có nhiều người cũng tuân thủ nhưng cũng có một số người trong số đó có thái độ không hợp tác vì họ cũng nôn nóng được về nhà. Vì vậy, ngoài điều trị bệnh, các điều dưỡng, bác sĩ cũng phải hết sức tâm lý, lắng nghe, nhẹ nhàng phân tích, tư vấn cho họ. "Hầu như ngày nào bệnh nhân cũng hỏi mình sẽ bị cách ly đến bao giờ. Có người liên tục yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 để sớm có kết quả âm tính, về với gia đình; một số người khóc bởi thời gian họ ở Việt Nam không nhiều. Chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng hết sức và cũng rất mong họ hết bệnh, về nhà" - bác sĩ Khanh nói.
Bệnh nhân chờ thăm khám sau khi từ sân bay nhập Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM)
Với bác sĩ Đặng Mỹ Anh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), hơn 6 tháng miệt mài tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức, TP HCM) sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị lại về trực Tết ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Bác sĩ Mỹ Anh thổ lộ: "2 năm qua, năm nào cũng trực cấp cứu. Ngày 19-1, vừa rồi sau khi Bệnh viện dã chiến số 3 tạm ngưng hoạt động thì tôi quay về bệnh viện nơi công tác để tiếp tục với công việc của mình. 2 năm đón Tết xa nhà nhưng những ngày cuối năm, nhìn mọi người tất bật về quê mình cũng nôn nao. Nhưng nhớ lại những thời khắc đã qua khi chứng kiến bệnh nhân phải chịu đau đớn, nhất là vì dịch Covid-19 tôi cũng như các đồng nghiệp càng cố gắng hơn để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tin rằng với sự chung sức này, dịch bệnh sẽ sớm kết thúc".
Theo bác sĩ Mỹ Anh, đã chọn nghề y là đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn không mệt mỏi. Bên cạnh đó, với sự tin tưởng và tự hào của gia đình khiến chị có thêm động lực để vượt qua những trở ngại trước mắt.
"Trải qua một năm quá nhiều mất mát, hy vọng trong năm mới dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, mọi người sớm lấy lại được tinh thần để đón năm mới bình an, may mắn. Đặc biệt, dù vui xuân đón Tết nhưng mọi người cũng hãy luôn tuân thủ nghiêm quy định 5K để bảo vệ mình, người thân cũng như những người xung quanh" – bác sĩ Mỹ Anh nhắn nhủ.
Bình luận (0)