Những "bí kíp" để phòng chống "côn đồ" bệnh viện như: hệ thống báo động khẩn cấp kết nối thẳng với công an, các khóa học về an ninh, tâm lý học, võ tự vệ... đã được nhiều bệnh viện rà soát lại để tăng cường thực hiện
Camera BV Nhi Đồng 1 ghi lại khoảnh khắc nữ điều dưỡng bị đánh bởi Huỳnh Ngọc C., cha một bệnh nhi, khiến chị phải nhập viện vì chấn thương. Ảnh: SỞ Y TẾ TP HCM
Nhiều BV triển khai quy trình ứng phó khẩn cấp
BV Nhân dân Gia Định là một trong các đơn vị sớm xây dựng "Code Grey" quy trình phản ứng khẩn cấp với sự cố về an ninh trật tự.
Bác sĩ chuyên khoa II Chung Bá Ngọc, Trưởng phòng Hành chánh - quản trị BV Nhân dân Gia Định giải thích về Code Grey: "Chúng tôi chia các sự cố an ninh trật tự thành 3 tình huống với mức độ khác nhau.Tình huống 1, tức chỉ mới là cãi vã to tiếng, hiểu lầm, bức xúc thì không sử dụng Code Grey. Tình huống số 2 và 3, tức bắt đầu có sự đe dọa đến sức khỏe những người có mặt tại hiện trường, có đối tượng đáng nghi hay nặng hơn là đã xảy ra hành vi nguy hiểm, "Code Grey" sẽ được khởi động".
Nhân viên trực tổng đài sẽ được báo động, và người này sẽ nhấn một nút "Autocall", lập tức điện thoại di động của hàng loạt bộ phận sẽ reo, bao gồm trực lãnh đạo BV, trực hành chánh, tất cả nhân viên bảo vệ trong ca trực, và cả một số nam nhân viên của các bộ phận khác.
Theo đề xuất của Công an Phường 7, Quận Bình Thạnh, nơi BV Nhân dân Gia Định tọa lạc, một chiến sĩ cảnh sát khu vực cũng được thêm vào danh sách Autocall.
Khi đó, tổ bảo vệ và các nam nhân viên trong danh sách ứng cứu sẽ lo việc dàn xếp lại trật tự, các bộ phận khác sẽ làm nhiệm vụ chuyên môn: trực hành chánh sẽ tổ chức di tản nếu cần thiết, trực lãnh đạo nhanh chóng phân công nhân sự để bảo đảm công tác khám chữa bệnh không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân.
Tại BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), một quy trình tương tự mang tên "Code White" cũng được triển khai, bên cạnh hệ thống camera và chuông báo động.
Học tự vệ và cả tâm lý giao tiếp
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố, ngoài các biện pháp an ninh, nhân viên BV này còn được huấn luyện một lớp tự vệ do một BS của BV đồng thời là võ sư hướng dẫn. Điều này nhằm giúp mỗi người có thể tự bảo vệ mình tốt hơn khi đối diện với "côn đồ" bệnh viện (thao tác khi ứng phó sẽ bài bản, chuyên nghiệp hơn)
BV còn tổ chức các lớp tâm lý giao tiếp, bởi việc tìm cách ngăn chặn hành vi quá khích từ đầu vẫn là tốt nhất. "Bệnh nhân và thân nhân là những khách hàng đặc biệt, nhân viên y tế cần khéo léo khi họ bắt đầu căng thẳng. Phương án đầu tiên của chúng tôi là mời họ vào một căn phòng mát mẻ, mời một ly trà và cố gắng nói chuyện nhẹ nhàng" - BS Tiến cho biết.
Nghề nghiệp là một "vũ khí" quan trọng
Theo kinh nghiệm bản thân đã làm 27 năm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, BS Nguyễn Minh Tiến cho rằng nhân viên y tế còn một thứ "vũ khí bí mật" nữa, đó chính là nghề nghiệp của mình. "Quan trọng nhất, và hiệu quả nhất là tấm lòng của mình. Có khi người bệnh đến bệnh viện đã ngưng thở rồi, nhưng cứ hãy lao vào thực hiện hồi sinh tim phổi, và thực hiện mọi phương án cấp cứu khác. Nếu người bệnh vẫn không cứu vãn được, với những gì mình đã tận tâm làm thì người nhà của bệnh nhân cũng đỡ đau lòng và không nổi giận với BS. Ngoài ra, bản thân tôi cũng tin vào phép màu y học, có những ca đã ngưng tim, ngưng thở tôi vẫn cố gắng ép tim lâu hơn so với tiêu chuẩn, có trường hợp đã hồi sức đến… 1 tiếng rưỡi (tiêu chuẩn quốc tế là chỉ 20-30 phút là hết hy vọng, việc hồi sức có thể ngưng) và bệnh nhi đã "thở" lại một cách kỳ diệu."- BS Tiến chia sẻ.
Bình luận (0)