Trao đổi với Báo Người Lao Động, Hà Vi (sinh năm 2000, hiện học tại Trường THCS và THPT Đông Du, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết hiện em tìm thấy khá nhiều trang facebook mạo danh, sử dụng tên của chính em (Lê Thị Hà Vi và Hà Vi), các hình ảnh từ chính facebook thật và mạo danh em trả lời các bình luận của cư dân mạng. Nhiều trang còn tiến hành chặn facebook thật của Hà Vi khiến em không thể xem hay bình luận trên trang giả danh.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại có khá nhiều trang giả mạo như Hà Vi đã phản ánh. Trên nhiều status của các trang này, câu hỏi thật hay giả vẫn được cư dân mạng đặt ra, bởi các trang giả không hề kết nối với gia đình, bạn bè cùng lớp của Hà Vi khiến nhiều người nghi ngờ. Chủ nhân nhiều trang giả mạo cũng đã nhiều lần lên tiếng thanh minh, khẳng định "chính chủ".
Một trang facebook giả danh Hà Vi với hình ảnh được copy từ trang thật
Hiện Hà Vi và chị gái đang cố kêu gọi bạn bè trên facebook thật báo cáo vi phạm những trang giả, cũng như cảnh báo bạn bè không nghe theo nếu các trang giả có đưa ra những lời kêu gọi quyên góp hay cung cấp thông tin để bạn đọc tặng quà, tiền bạc. Từ trước đến nay, mọi khoản hỗ trợ Hà Vi và gia đình nhận được đều là do bạn đọc tự nguyện tìm đến thông qua các phương tiện truyền thông và bệnh viện, bản thân em và cha mẹ chưa từng kêu gọi hỗ trợ trên bất cứ mạng xã hội hay phương tiện nào.
"Vi xin đính chính lại Vi chỉ chơi duy nhất 1 facebook này (https://www.facebook.com/soaii.muoii.7?fref=ts) ... nếu các fb fake khác nhờ giúp đỡ gì xin các bạn xem xét lại cẩn thận bị lừa nha" - Hà Vi khẳng định trên trang cá nhân.
Bình luận (0)