Theo kết quả khám và hội chẩn của các bác sĩ trong buổi sáng cùng ngày, TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM cho biết Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 10 Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ) đã đủ điều kiện để tiến hành lắp chân giả. Dự tính, em sẽ được tập luyện và chăm sóc phần mỏm cụt ổn định trong vài ngày nữa, sau đó sẽ được chuyển đến Xưởng Chỉnh hình của bệnh viện lấy mẫu để làm chân giả.
Hà Vi đã tỏ ra ổn định về tinh thần. Cô vui vẻ selfie cùng một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh
Gia đình cho biết hiện Hà Vi vẫn còn đau nhiều ở phần mỏm cụt, ăn uống hơi kém nhưng đến sáng nay khi đã chuyển viện, tinh thần bé tỏ ra ổn định, tươi vui chụp ảnh kỷ niệm cùng các bác sĩ ở Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Loại chân giả dự kiến được làm cho Vi với khớp nối thủy lực linh hoạt
Cô bé vui vẻ chụp hình kỷ niệm cùng các bác sĩ trong lúc chờ lấy kết quả X -quang
Bác sĩ Lý cho biết quá trình điều trị tiếp theo cho Vi sẽ bao gồm can thiệp tâm lý, tập luyện cho phần mỏm cụt, làm chân giả tạm để tập luyện sử dụng bước đầu và một chân giả tốt khác để sử dụng về sau.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, bé Vi gặp tai nạn hồi đầu tháng 3 tại Đắk Lắk, làm gãy mâm chày ở đầu gối. Do tổn thương mâm chày khá phổ biến và thường không khó điều trị nên bác sĩ ở địa phương chỉ bó bột cho Vi. Tuy nhiên, vài ngày sau, Vi đau dữ dội ở đầu gối và gia đình muốn chuyển viện, em được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh rồi Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng phải đoạn chi do hoại tử vì tắc động mạch khoeo.
Theo các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình, tắc mạch khoeo là một biến chứng hiếm nhưng rất nguy hiểm khi có chấn thương vùng đầu gối, dù là chấn thương đơn giản như chấn thương mâm chày, trật khớp. Biến chứng này khó phát hiện, bệnh viện địa phương có thể không có bác sĩ chuyên khoa đủ kinh nghiệm để đánh giá. Nếu được phát hiện sớm, một số bệnh nhân có cơ may giữ được chân sau phẫu thuật
Bình luận (0)