Năm 1965, rời vùng quê Nhơn Hạnh ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định lên Tây Nguyên đi thoát ly kháng chiến, vì có trình độ văn hóa, nên bà Lê Thị Mỹ Ngọc được tổ chức cho vào học lớp y tá đầu tiên do Ban Dân y của tỉnh Gia Lai mở.
Cái Tết định mệnh
Trường học cũng là bệnh xá, được dựng trên đỉnh núi Kxôn cao nhất của dãy Kon Chiêng (nay thuộc huyện Măng Yang, tỉnh Gia Lai) - địa danh có con đèo ngất ngưởng ví như cổng trời thuộc tỉnh Gia Lai. Đây là tuyến hành lang quan trọng, liên kết giữa Đông và Tây Trường Sơn. Để có được đỉnh cao này, quân ta phải đánh nhau với địch, tranh giành suốt mấy năm liền.
Núi Kon Chiêng ngày nay .Ảnh: HÀ VŨ
Bà Lê Thị Mỹ Ngọc (bìa trái) trong dịp gặp lại con gái vào ngày 5-6-2008
Chồng và con trai của dược sĩ Võ Thị Ngọc Duệ
Học ở lớp y tá đầu tiên ấy, bà Ngọc đã bén duyên người thầy phụ trách lớp, quê Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Đó là ông Võ Duy Tài - chồng bà bây giờ. Hai người tổ chức cưới vào năm 1966.
Đến năm Mậu Thân 1968, bà Ngọc sinh bé gái đầu lòng. Vì cháu là đứa bé hiếm hoi được sinh tại đỉnh núi Kxôn cao nhất vùng nên bà con dân tộc Bah Nar ở đó đặt cho cái tên là Kxôn. Sau này gia đình đặt tên khai sinh là Võ Thị Mỹ Phương. Cũng năm đó, ông Tài phải về Khu 5, rồi ra Bắc học tiếp chuyên môn bác sĩ, để lại vợ con trên vùng núi Tây Nguyên vời vợi, mịt mùng.
Tết năm 1972 là một cái Tết định mệnh với gia đình bà Ngọc. Ngày 27 Tết, Nguyễn H. - một cán bộ của bệnh xá, ra vùng giải phóng bị địch bắt. Vì không chịu nổi đòn tra tấn của địch, H. khai ra vị trí của đơn vị bộ đội 408 gần bệnh xá. Khi biết tin, đơn vị bộ đội đã hành quân di chuyển ngay vị trí.
Lúc ấy, cô Võ Thị Ngọc Lan, con của một liệt sĩ chống Pháp, được giao trách nhiệm là bệnh xá trưởng. Một mặt vì kinh nghiệm của cô Lan còn non nớt, mặt khác do thời chiến có một sự ngầm hiểu cả bên ta lẫn bên địch là không đánh nhau trong những ngày Tết cổ truyền để người dân hai bên được hưởng sự vui chơi yên bình. Hơn nữa, đã quá cận kề Tết, trạm xá lúc ấy được chuyển tạm về vị trí cũ của đơn vị bộ đội vừa rút đi, với ý định ra năm mới sẽ dời toàn bộ đến một địa điểm khác.
Đúng mùng 2 Tết, lúc ấy kho gạo có quyết định di chuyển vị trí, bà Ngọc cùng một số chị em trong đơn vị đi cõng gạo. Bệnh xá chỉ còn lại cô Lan, anh Thu, bé Phương và một số thương binh. Bất ngờ, địch tấn công bệnh xá tại vị trí đơn vị bộ đội đã chuyển đi. Địch dùng máy bay đánh phá bao vây suốt 2 ngày, ngày thứ 3 chúng đổ bộ quân chiếm toàn bộ khu vực. Bấy giờ, vị trí cũ của bệnh xá vẫn bình yên.
Sau khi địch rút lui, đoàn cõng gạo mới trở về được vị trí bệnh xá. Trước mắt mọi người chỉ còn một vùng tan hoang. Người bị địch bắt. Đồ dùng, ba lô, quần áo bị địch lấy sạch. Xoong nồi bị địch đục thủng, nhà bị đốt.
Đứng trước cảnh ấy, bà Ngọc đau thương tột độ, cô đơn tột độ. Nhiều đêm nhớ hơi con, bà không sao chợp mắt. Có khi vừa mơ màng thì lại thấy hình bóng con khóc rát vì đói khát, lại giật mình thức trắng. Nhiều lúc tưởng chừng đã không thể vượt qua được nỗi đau mất mát ấy.
Chút hơi ấm để động viên mình
Ở nhà là con gái đài các, được học hành (học hết lớp 8 ở quê), chưa bao giờ phải giặt giũ một món đồ bẩn, ấy vậy mà khi ở trạm xá, bà Ngọc luôn tay tắm rửa, thay đồ, giặt đồ dơ bẩn máu mủ của bệnh nhân với một tấm lòng tận tụy, yêu quý đến thản nhiên. Xung quanh bà, cái chết diễn ra hằng ngày, bao nhiêu thương binh phải chịu đựng vô vàn đớn đau, thảm khốc.
Hoàn cảnh ấy không cho phép bà được yếu mềm vì những chuyện riêng tư. Tất cả nhớ thương bé Phương, bà chỉ ấp ủ trong lòng. Trước mọi người, thương con, nước mắt chảy vào trong.
Bọn địch bắt cô Lan và bé Phương đưa về giam một đêm tại Nhà lao Pleiku. Vì bé Phương còn nhỏ, nhớ mẹ khóc suốt đêm suốt ngày sinh ra ốm đau nên sau đó địch chuyển bé về cho các ni cô chùa Phù Đổng nuôi. Tại Tịnh xá Ngọc Bảo, bé Phương bị tách ra khỏi cô Lan - người thường ngày vẫn thường xuyên như người mẹ chăm bẵm bé khi còn ở trạm xá và là người cùng bị bắt đưa đi với bé mà ban đầu địch tưởng nhầm là hai mẹ con.
Những ngày sau, địch đã nghĩ kế dùng bé Phương làm con mồi dụ bà Ngọc ra hàng để thực hiện chiêu bài tâm lý chiến, tác động vào tinh thần cán bộ của ta. Hàng loạt tờ truyền đơn in hình bé Phương sau đó đã được rải xuống khắp nơi, cùng những dòng chữ chiêu hồi người thân ruột thịt ra đầu thú Chính phủ Quốc gia để đoàn tụ và hưởng lượng khoan hồng. Những chiếc máy bay rải truyền đơn, ra rả phát đi lời kêu gọi dụ dỗ: "Bé Phương khỏe nhưng nhớ mẹ khóc nhiều sưng mắt, cô Lan bị sốt, mẹ ra mà ẵm con!"…
Có lúc thương con quá, nhớ con quá, chị Ngọc lén nhặt tờ truyền đơn của địch có in hình bé Phương mà lòng như xát muối. Chị lẳng lặng cắt nguyên hình con gái từ tờ truyền đơn giấu trong người, cố giữ chút hình bóng đứa con thân yêu, coi như một chút an ủi, một chút hơi ấm để tự động viên mình.
Năm 1972, sư Huỳnh Liên thuê máy bay chở 12 bé gái không cha không mẹ ở Tịnh xá Ngọc Bảo về Sài Gòn (TP HCM ngày nay) và đưa vào các nhà chùa để nuôi. Các ni cô, sư bà đã dùng tên một công chúa đặt lại tên cho bé Phương, là Ngọc Duệ. Trải qua nhiều nhà chùa, 27 năm dưới sự nuôi dạy của các sư cô Hạnh Liên, Diệu Liên, Huỳnh Liên, bé Ngọc Duệ đã học hết chương trình phổ thông trung học, lại giỏi tiếng Anh, em nuôi chí tìm cơ hội để gặp lại cha mẹ mình.
Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, bé Phương xin nhà chùa ra làm con nuôi một gia đình cán bộ hưu trí là ông bà Nguyễn Hoàng Quí, Đinh Thị Liên.
Hạnh phúc của ngày đoàn viên
Lại nói về gia đình bà Ngọc. Sau năm 1975, ông bà về công tác tại ngành y tế tỉnh Gia Lai, họ có thêm 2 trai, 1 gái nhưng nỗi nhớ đứa con gái đầu lòng vẫn day dứt quay quắt mãi trong tâm can. Ông bà cất công đi tìm hết mọi cô nhi viện ở miền Nam mà vẫn không gặp được đứa con lưu lạc của mình. Đến lúc để giải tỏa tâm lý, ông Tài phải nhận nuôi một bé gái tầm tuổi con mình. Coi như yên phận chuyện tìm con.
Đầu năm 2008, tình cờ bà Ngọc tìm được manh mối để đưa tin tìm lại đứa con thất lạc. Đó là khi có cô gái tên Liên lưu lạc cha mẹ, làm con nuôi tận bên Mỹ, đang về Việt Nam làm việc thiện. Bà Ngọc xem báo biết địa chỉ, liền viết ngay bức thư gửi cô Liên nói lên nguyện vọng của mình. Chỉ 2 ngày sau, cô Liên trả lời và cho địa chỉ nhà của một nhà báo để tiện liên lạc. Có địa chỉ, bà mừng quá, vội viết ngay thư cho nhà báo này. Từ những liên hệ ấy, bà Ngọc đã được đưa vào chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" ngày 5-6-2008 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Bây giờ, Phương đã trở về Pleiku với cha mẹ đẻ, với gia đình. Cô đi học trung cấp dược tại Gia Lai với cái tên là Võ Thị Ngọc Duệ, đúng tên của nhà chùa đặt cho, chỉ gắn thêm họ của ba mình.
Khi tôi chắp nối lại câu chuyện ly kỳ này, Ngọc Duệ đã ra trường, là dược sĩ công tác tại Bệnh viện Đông y Gia Lai. Cô đã lập gia đình với thầy giáo Huỳnh Văn Tăng ở phường Hoa Lư, TP Pleiku, vào năm 2010, khi tròn 43 tuổi. Vì hai người tuổi đã lớn, việc sinh nở cũng gặp những khó khăn. Nhưng rồi trời thương. Năm 2015, khi cô 48 tuổi, họ cũng có được cậu con trai kháu khỉnh, là niềm hạnh phúc lớn lao của những ngày đoàn viên sau tất cả những tháng năm nổi chìm lưu lạc.
Đó là cái hậu của một nữ y tá suốt đời tận tụy với không biết bao nhiêu thương binh, bệnh binh, người bệnh bằng tấm lòng yêu thương nhân ái!
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)