xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cô giáo trẻ "trồng người" trên núi

LÊ THỊ VỊNH

Tôi thấm thía bài học sâu sắc: Muốn cảm hóa được học trò thì phải yêu thương học trò như tình yêu của người mẹ và sẵn sàng chia sẻ như một người bạn thân thiết

Tôi là cô giáo đã hoàn thành sự nghiệp "trồng người". Suốt 34 năm dạy học, tôi mãi không quên về những năm đầu tiên của mình tại vùng miền núi Thanh Sơn năm ấy.

Đôi guốc đẽo và chiếc xe đạp mượn

Tôi sinh ra ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 1980, tôi tốt nghiệp cấp ba. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, thương cha mẹ già yếu nuôi 9 chị em ăn học, tôi đành phải gác ước mơ đại học để đi học sư phạm chương trình 10 + 2. Sau hai năm học, tôi được phân công về giảng dạy ở Trường Cấp I Văn Luông. Đó là một xã miền núi thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Hành trang của tôi bước vào đời chỉ là một túi ni-lông đựng mấy bộ quần áo và đôi guốc bố đẽo cho, bằng gỗ xoan. Cuộc hành trình đầu tiên của tôi vào trường nhận công tác bằng chiếc xe đạp tôi mượn của anh chị cả tôi. Ngôi trường tôi dạy nằm bên kia sông Cà Lồ, mùa nước cạn có thể lội qua sông nhưng mùa mưa thì phải nhờ chiếc bè tre. Trường của tôi lúc đó là ba dãy nhà lợp bằng lá cọ, vách bằng tre trát rơm. Khu giáo viên chúng tôi ở cũng ngay sát gần lớp học, là dãy nhà lá bưng bằng ván gỗ mỏng mảnh.

Cô giáo trẻ trồng người trên núi - Ảnh 1.

Cô giáo Lê Thị Vịnh và học trò trong một giờ ra chơi Ảnh: THANH BẰNG

Năm học đầu tiên, tôi được phân công dạy lớp 4. Lớp học gồm có 25 em, đa số là người dân tộc Mường. Cuộc sống của gia đình các em rất khó khăn. Bố mẹ các em bận việc đồng áng cả ngày, các em không được tắm giặt thường xuyên. Có nhiều em đang viết bài thì dừng lại gãi đầu vì chấy cắn, chấy rơi cả trên bàn, trên ghế. Thế là buổi chiều, tôi đun một nồi nước bồ kết và giờ ra chơi, tôi đã gọi các em vào để gội đầu. Cứ như thế mỗi buổi chiều các em được gội đầu sạch sẽ, không còn ngứa đầu như trước nữa.

Nghề dạy học cứ tưởng là dễ nhưng thật ra chẳng dễ chút nào. Lớp học đầu tiên của tôi có một nhóm gồm 5 em rất nghịch, trong đó 3 em nghịch nhất là Sơn, Thúy và Giá. Khi ấy tôi là cô giáo trẻ mới hai mươi tuổi. Học trò của tôi là con em dân tộc thiểu số nên ít em đi học đúng tuổi. Em Sơn đã mười sáu tuổi, người phổng phao cao to hơn cả cô giáo. Những ngày đầu lên lớp thật gian nan. Buổi học đầu tiên tôi còn bị học trò bắt nạt. Khi tôi đi xuống cuối lớp thì bị ngã nhào bởi vấp phải bàn chân của Sơn đưa ra ngáng lối đi. Tôi đỏ mặt đứng dậy xoa đầu gối và đưa tay gạt làn nước mắt trong tiếng cười ồ của nhóm học sinh ngỗ nghịch.

Lấy tình thương cảm hóa học trò

Rồi những ngày kế tiếp, nhóm học trò đó lại nghĩ cách khác để trêu chọc tôi, như nấp dưới gầm bàn đợi tôi tới nhào ra xô ngã tôi rồi cười ồ. Có hôm giữa buổi học thì em Thúy nhảy phắt lên ngồi trên bàn cô giáo mà nói: "Thôi, trả tiền học đây, không học nữa đâu, ngồi học mỏi lưng nhức đầu lắm". Thoáng bối rối và kinh ngạc nhưng tôi cũng kịp nghĩ ra cách hoãn binh: "Em cứ ngồi xuống học đi, hôm nay thầy hiệu trưởng đi họp vắng, mai thầy về cô sẽ xin lại tiền trả cho em".

Tôi đem tình hình lớp trao đổi với tổ chuyên môn, với thầy hiệu trưởng. Nhà trường rất thông cảm với tôi và cho phép nếu có thể sẽ lập hội đồng kỷ luật đuổi học các em đó. Ôi! hai tiếng "đuổi học" hiện lên trong đầu tôi như tiếng sét, dù tôi rất vất vả khi mỗi ngày phải đối mặt với nhóm học sinh ngỗ nghịch này. Nghĩ đến ngày mai, các em bị đuổi học ở tuổi chưa đọc thông viết thạo, tôi thấy lòng mình thắt lại. Mai này lớn lên các em không có kiến thức sẽ đi đâu, về đâu. Tôi nghĩ đến trách nhiệm của mình là phải làm sao để những học trò ngỗ nghịch này trở nên ngoan ngoãn, ham học.

Tôi tìm tòi trên sách báo, học hỏi đồng nghiệp, người thân, bạn bè để sưu tầm các câu đố, câu chuyện hay để đọc trong những giờ nghỉ. Giờ sinh hoạt lớp, tôi đố vui các em, kể cho các em nghe những câu chuyện lý thú. Giờ ra chơi, tôi lại ra sân chơi cùng học trò. Tôi nhớ mãi những trận chơi kéo co, bịt mắt bắt dê, trồng hoa trồng nụ, chơi trốn tìm… Mồ hôi đầm đìa, mặt mũi nhem nhuốc, mệt lử, có khi đầu gối còn bị trầy trụa nhưng nhìn thấy nụ cười của các học trò, tôi hết đau và hết mệt.

Hành trang quý giá của đời dạy học

Cứ như thế, thời gian qua đi, học trò lớn dần cùng với sự tiến bộ. Tôi nhớ mãi lời tâm sự của Sơn và Thúy: "Cô ơi, em rất thương cô nhưng khi ngồi học lâu em khó chịu nên quên mất lại nghịch, làm cho cô buồn. Em sẽ cố gắng để cô không mệt vì chúng em nữa". Ôi, niềm vui sướng tột cùng, giọt nước mắt lăn tròn trên má. Tôi đã bước đầu thành công. Cứ thế, lớp học là nhà, học trò là bạn. Tài sản là giáo án, câu đố, các câu chuyện cổ tích và trò chơi. Lớp học của tôi trở thành lớp điển hình trong học tập, trong nền nếp.

Tôi nhớ mãi buổi học có Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ về kiểm tra, dự giờ thăm lớp của tôi hai tiết học toán và tập đọc. Bài tập đọc tôi dạy hôm đó là "Đẹp thay non nước Nha Trang". Thầy giáo ở Sở Giáo dục và Đào tạo phải khen ngợi: "Sao học trò ở vùng núi mà đọc tốt thế nhỉ, đọc hay hơn cả cô giáo". Đến giờ toán, học trò học tốt trong sự ngạc nhiên của các thầy cô ở sở. Các thầy nghi ngờ cô giáo dạy trước cho trò nên đã đi kiểm tra vở của các em. Khi thấy những điểm mười đỏ chói cứ đều đặn trên mỗi trang vở, các thầy đã phải thốt lên: "Thật không ngờ giữa vùng núi lại có lớp học tốt như thế này".

Đến bây giờ, ký ức về những năm học đầu tiên trong sự nghiệp "trồng người" vẫn mãi in đậm trong trí nhớ của tôi. Tôi thấm thía bài học sâu sắc: Muốn cảm hóa được học trò thì phải yêu thương các em như tình yêu của người mẹ và sẵn sàng chia sẻ như một người bạn thân thiết. Dù cuộc sống có gian khó đến đâu, dù học trò có ngỗ nghịch đến đâu nhưng với niềm đam mê yêu nghề thì nhất định chúng ta sẽ đi được tới bến bờ thành công. 

Tôi kết thúc 5 năm giảng dạy tại vùng núi Thanh Sơn với kết quả hai năm liền tôi có học trò đạt học sinh giỏi cấp huyện và liên tục nhận giấy khen của nhà trường, của UBND huyện Thanh Sơn. Ngày tôi chuyển vùng, nhóm học trò ngỗ nghịch nhất: Em Sơn, em Giá, em Thúy…là học sinh lớp 6 đã bỏ một tiết học lội qua sông để tiễn chân cô giáo về quê. Rời xa ngôi trường đầu đời, rời xa những em học sinh một thời làm cô đau đầu, rơi nước mắt, tôi đem theo bao kỷ niệm trong ký ức cùng với những đôi bàn tay bé nhỏ cứ vẫy vẫy xa dần rồi khuất hẳn sau dãy núi mờ xanh.

Hộp thư nhận bài

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức" lần 2, năm 2021-2022 vừa được Báo Người Lao Động phát động. Thông tin chi tiết về thể lệ, mời bạn viết xem báo điện tử tại địa chỉ: https://nld.com.vn/ban-doc/the-le-cuoc-thi-viet-tu-trong-ky-uc-lan-2-20210731102008019.htm

Bài dự thi và ảnh kèm, vui lòng gửi qua email: tutrongkyuc@nld.com.vn và tutrongkyuc2021@gmail.com; nếu là bản in, gửi về: Tòa soạn Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; ngoài bì thư ghi gõ: Bài tham gia cuộc thi viết "Từ trong ký ức" 2021-2022.

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

Cô giáo trẻ trồng người trên núi - Ảnh 4.
Cô giáo trẻ trồng người trên núi - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo