Trong thời đại ngày nay, áp lực công việc, chế độ ăn không hợp lý cùng với việc lạm dụng bia, rượu thường xuyên… khiến tỉ lệ người mắc các bệnh gan, mật tăng cao. Việc sử dụng một số loại thảo dược nguồn gốc tự nhiên, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc sẽ góp phần tăng sức bền cho lá gan.
Atisô giải độc cơ thể
Atisô có tên khoa học là Cynara scolymus L. Đây là loại cây thấp, cao khoảng 1-2 m, thân và lá có lông trắng như bông. Lá mọc so le, phiến khía sâu, có gai. Cụm hoa hình đầu, màu tím nhạt.
Atisô thường được dùng để giải độc cho cơ thể. Ảnh: XUÂN THẢO
Atisô tính mát, vị đắng nhạt, hương thơm dịu; có tác dụng nhuận gan, lợi mật, giúp phục hồi nhu mô gan. Atisô thường được dùng để giải độc cho cơ thể, nhất là những người hút thuốc, uống rượu, bia nhiều, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị tăng mỡ máu…
Ngoài ra, trong đông y, atisô còn kết hợp với nhiều vị thuốc chữa bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan cổ trướng. Thảo dược này còn rất hiệu quả trong chữa thân nhiệt nóng, da mặt nổi mụn nhọt, bọc mủ, mẩn ngứa.
Chó đẻ răng cưa chữa viêm gan
Chó đẻ răng cưa có tên khoa học là Phyllantus urinaria L., họ thầu dầu Euphorbiaceae. Dân gian gọi là cây chó đẻ vì chó mẹ sau khi đẻ thường đi ăn cây này. Cây còn có tên gọi khác là diệp hạ châu (do có các hạt tròn nằm dưới lá), trân châu thảo, diệp hạ châu đắng, diệp hòe thái, lão nha châu...
Chó đẻ răng cưa là một loài cây thảo, sống hằng năm, có màu xanh. Thân nhẵn, mọc thẳng đứng, mang cành nhỏ, cao khoảng 30-50 cm, có khi tới 80 cm. Lá mọc so le, lưỡng hệ, trông như lá kép. Phiến lá thuôn, dài 5-15 mm, rộng 2-5 mm, đầu nhọn hay hơi tù, mép nguyên, không cuống hoặc cuống rất ngắn, mặt dưới màu xanh lơ. Chó đẻ răng cưa mọc hoang ở nhiều vùng của nước ta. Hiện nay, người dân đã trồng trên diện tích lớn để làm nguyên liệu sản xuất thuốc trị viêm gan.
Theo các nghiên cứu gần đây, cây chó đẻ chứa một số enzyme và hoạt chất có tác dụng chữa viêm gan như phyllanthine, hypophyllanthine, alkaloids và flavonoids. Vì vậy, từ xưa người dân nhiều nước trên thế giới đã sử dụng cây chó đẻ trong điều trị bệnh viêm gan, vàng da, lậu, lở loét, sỏi mật, cảm cúm, thống phong...
Cách sử dụng đơn giản nhất là dùng cây chó đẻ răng cưa phơi khô, sao vàng rồi đun lấy nước uống hằng ngày. Tuy nhiên, không nên sử dụng quá nhiều trong ngày.
Nhân trần thanh nhiệt
Nhân trần là thức uống phổ biến vào mùa hè nóng nực của nhiều người. Uống nước nhân trần không bị sôi bụng, lạnh bụng, không sợ mất ngủ lại rẻ tiền, dễ kiếm và không gây độc.
Nhân trần Nam còn gọi là hoắc hương núi, họ hoa mõm chó, có tên Latin là Adenosma cacruleum. Khi khô, cây màu nâu sẫm, mùi thơm hắc; khác với nhân trần Bắc họ cúc màu xám hơi vàng, mùi thơm nhẹ. Vị hơi cay, đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, tiêu viêm, chống ngứa.
Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng và cay, có thể thanh nhiệt, lợi thấp, hành khí, lợi tiểu, ra mồ hôi. Nước nhân trần có tác dụng tăng bài tiết mật, chống viêm, nhất là với các bệnh về gan và mật. Cũng như cây chó đẻ răng cưa, không nên sử dụng quá 1 lít nhân trần mỗi ngày.
Với quý ông uống nhiều rượu, bia có thể sắc nhân trần 20 g, hạt muồng sao 10 g, cam thảo sống 2 g, rau má khô 10 g để uống hằng ngày. Bài thuốc này sẽ góp phần giảm tác hại của rượu, bia đến lá gan.
Uống dưới 1 lít atisô mỗi ngày Atisô được sử dụng bằng cách đun hoa đã phơi khô với nước rồi uống hằng ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng loại atisô túi lọc làm sẵn hoặc cao atisô pha vào một cốc nước sôi, uống 3 - 4 túi (cốc) mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên sử dụng nước atisô nhiều hơn 1 lít mỗi ngày vì khi sử dụng nhiều sẽ tăng khả năng co bóp túi mật, tống mật xuống tá tràng nhiều hơn và đôi khi làm tăng co bóp cả hệ thống tiêu hóa, gây trướng bụng đầy hơi. |
Bình luận (0)