Cách đây không lâu, trên một chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul - Hàn Quốc, sau bữa ăn nhẹ ở độ cao khoảng 10.000 m, một hành khách nam 54 tuổi bỗng nổi mẩn ngứa toàn thân. Chỉ hơn 1 phút sau, ông buồn nôn, nôn, khó thở, thở rít và tím tái...
Bó tay nếu không có adrenalin
Rất nhanh sau đó, một nhóm bác sĩ Việt Nam trên máy bay xác định hành khách này bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, không ai có thuốc chống sốc phản vệ để cấp cứu. Tính mạng của bệnh nhân trở nên nguy ngập.
Rất may, một tiếp viên đã tìm thấy trong chiếc vali chứa đồ dùng cấp cứu có 2 ống adrenalin - loại thuốc được chỉ định cho cấp cứu sốc phản vệ. Bác sĩ Phạm Văn Học, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) - người tham gia cấp cứu bệnh nhân - cho biết đây là một trường hợp đặc biệt hy hữu và vô cùng căng thẳng.
“Dựa vào phác đồ chống sốc mới nhất của Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, chúng tôi lần lượt sử dụng các loại thuốc cần thiết. Chỉ ít phút sau, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc, huyết áp bắt đầu được cải thiện, bớt khó thở, hết thở rít, môi và các chi dần hồng hào trở lại. Nếu không nhờ phác đồ mới, trong đó yếu tố chủ lực là thuốc adrenalin, có lẽ các bác sĩ cũng bó tay” - bác sĩ Học nhớ lại.
Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - sốc phản vệ là phản ứng nghiêm trọng, thường xuất hiện nhanh và có thể dẫn đến tử vong sau vài phút đến vài giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân gây sốc phản vệ rất nhiều, như bị côn trùng đốt, dị ứng thức ăn, do các chế phẩm máu, thuốc, hóa mỹ phẩm… với diễn biến lâm sàng rất đa dạng, phức tạp và khó lường. Các phản ứng sốc có thể là mẩn ngứa, phù miệng, lưỡi, họng hoặc co thắt phế quản, gây ngạt thở; trụy mạch, tụt huyết áp khiến mạch máu không tuần hoàn, không thể cung cấp ôxy cho các cơ quan…
“Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân mới 20 tuổi bị dị ứng sau khi ăn món bún dọc mùng. Bệnh nhân thấy khó thở, co thắt như bị cơn hen nặng, sau đó thì hôn mê, ngừng tim, chết não và tử vong. Nếu được nhập viện sớm và cấp cứu kịp thời bằng thuốc chống sốc phản vệ, có thể bệnh nhân đã qua khỏi” - GS Bình đánh giá.
Đang đề xuất để áp dụng
Theo GS Bình, trước đây, Bệnh viện Bạch Mai chỉ gặp vài trường hợp sốc phản vệ mỗi năm nhưng hiện nay thì gần như ngày nào cũng tiếp nhận. “Với tỉ lệ phản ứng dị ứng, phản ứng quá mẫn và tình trạng sốc phản vệ nhiều như hiện nay, cần có sự thay đổi trong việc cấp cứu. Nhiều nước trên thế giới đã thay đổi phác đồ cấp cứu sốc phản vệ theo hướng cấp cứu sớm và trang bị kiến thức cho học sinh cùng cộng đồng” - GS Bình cho biết.
GS Bình cho rằng với phác đồ cấp cứu sốc phản vệ mà Bộ Y tế ban hành từ năm 1999, chỉ bác sĩ mới có thể xử lý, quy định chẩn đoán khi đã có sốc, tụt huyết áp hoặc phải xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng, sốc. Nếu vậy thì việc cấp cứu sẽ chậm trễ, bệnh nhân mất đi khoảng thời gian vàng.
Do đó, Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam đã đưa ra phác đồ cấp cứu sốc phản vệ mới với thời gian người bệnh được cấp cứu sớm hơn. Phác đồ này hướng dẫn cán bộ y tế (từ bác sĩ đến điều dưỡng) nhận biết các dấu hiệu sốc phản vệ từ sớm để kịp thời cấp cứu; đồng thời, lập tức tiêm adrenalin với liều nhỏ để chặn cơn khó thở, tụt huyết áp, sau đó mới xử lý bằng các biện pháp cấp cứu khác.
Theo GS Bình, qua theo dõi 161 ca sốc phản vệ tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ sở y tế khác từ tháng 6-2014 đến tháng 6-2015, 154 bệnh nhân được điều trị sốc phản vệ theo phác đồ cấp cứu mới có dùng adrenalin thì không ai tử vong. Phác đồ mới này đang được Bộ Y tế xem xét, đánh giá.
GS Bình cho rằng nhiều bác sĩ e ngại khi sử dụng adrenalin bởi đây là thuốc khá độc và có nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân sốc phản vệ, đây là loại “vũ khí” quan trọng để cứu mạng họ.
Theo giới chuyên môn, nhiều nước đã trang bị các bút tiêm có chứa adrenalin để người dân có thể xử lý những ca sốc phản vệ trước khi đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế. Với bút tiêm kèm theo vài hướng dẫn đơn giản, người dân nào cũng có thể sử dụng tiêm thẳng vào bắp đùi khi gặp trường hợp sốc phản vệ. Tuy vậy, giá thành bút tiêm khá cao, khoảng 120 USD.
Vì thế, GS Nguyễn Gia Bình đề xuất nên trang bị thuốc cấp cứu sốc phản vệ adrenalin ngay trên các máy bay, xe cứu hỏa; cho người làm việc độc lập như cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng hay ở những vùng dân cư hẻo lánh… để cứu chữa kịp thời bệnh nhân sốc phản vệ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, từng có bệnh nhân phải dùng tới 450 ống adrenalin mới thoát khỏi tình trạng nguy kịch, trong khi người bị sốc nhẹ chỉ cần tiêm từ 1/2 đến 1 ống loại 1 mg là đủ.
Chú ý các yếu tố nguy cơ
GS Nguyễn Gia Bình lưu ý một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sốc phản vệ như: người trước đây từng bị phản ứng phản vệ; người có cơ địa dị ứng hoặc hen suyễn.
Do vậy, người có tiền sử dị ứng nên lưu ý dự trữ một ống adrenalin hàm lượng thấp trong nhà để tiêm khi cần thiết hoặc mang theo khi đi xa.
Bình luận (0)