Đọc báo và biết về tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ nhưng chị N.H.Đ.A (32 tuổi, ngụ quận 5, TP HCM) vẫn quyết chờ thay vì đem con gái 3 tháng tuổi đi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau nhiều vụ tai biến do vắc-xin liên tiếp xảy ra, số phụ huynh lo lắng khi nghe 2 chữ “vắc-xin” như chị A. là không hiếm và không ít người vừa đưa con đi tiêm xong, thấy trẻ sốt nhẹ đã đưa trở lại bệnh viện (BV) ngay.
Những phản ứng nặng, nhẹ
“Vắc-xin ngoài kháng nguyên giúp tạo miễn dịch còn có nhiều thành phần phụ và thông thường chính những thành phần phụ đó sẽ gây ra tác dụng không mong muốn. Ngày nay, vắc-xin được sản xuất với chất lượng cao hơn nên tác dụng phụ thường ít hơn so với vắc-xin của những năm trước. Đối với trẻ em, khi tiêm ngừa, có những trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường; có trẻ sốt nhẹ, mệt sau tiêm; có trẻ bị nặng hơn… Điều này phụ thuộc vào 2 điều: vắc-xin và cơ địa của trẻ. Thông thường, trẻ sẽ có một số biểu hiện như sốt, đau, sưng chỗ chích, giảm thân nhiệt… Nhưng những biểu hiện này thường nhẹ và sẽ sớm tự khỏi” - BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh - đơn vị quản lý việc tiêm ngừa tại BV Từ Dũ, phân tích.
Lý giải việc nhiều phụ huynh nhận thấy khi tiêm các vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1”, nhiều trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ lại có vẻ ít sốt, mệt hơn, BS Từ Anh cho biết: Sự khác biệt nằm ở vắc-xin kháng ho gà trong đó. Loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin toàn tế bào - loại được dùng từ trước đến nay, còn nhiều loại vắc-xin dịch vụ lại là vắc-xin kháng ho gà vô bào thế hệ mới được sản xuất sau này, vốn được tinh chế hơn để hạn chế các tác dụng không mong muốn. Vắc-xin kháng ho gà lại là một trong những vắc-xin dễ gây phản ứng không mong muốn nhất nên trẻ sau tiêm thường sốt.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực BV Nhi Đồng 1, có những loại vắc-xin khá “lành” nên ít gây phản ứng phụ nhưng cũng có loại dễ khiến trẻ có biểu hiện bệnh sau tiêm hơn. Đó cũng là lý do nhiều trẻ lúc tiêm cái này thì bệnh, tiêm cái kia lại “khỏe re”. “Nhóm hay gây tác dụng không mong muốn nhất là các vắc-xin kháng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản…; còn một số vắc-xin khác lại rất “lành”, ví dụ như vắc-xin cúm” - BS Tiến lưu ý.
Phải khám sàng lọc
Nhiều phụ huynh cho rằng các bé khỏe thì tiêm xong không sao, bé yếu thì tiêm dễ bị bệnh… hoặc ngược lại là tiêm xong mà không sốt thì vắc-xin… không vô, tiêm xong sốt cao nghĩa là thuốc có tác dụng. Thế nhưng theo BS Từ Anh, những điều này thực ra chỉ là suy đoán, không có căn cứ cụ thể. Muốn biết cơ thể trẻ có sẵn sàng cho việc tiêm ngừa và tiêm ngừa có hiệu quả tốt hay không, hãy tuân thủ việc khám sàng lọc cũng như trả lời chính xác bảng hỏi về bệnh sử của bé.
“Một số tình trạng bệnh lý có thể gây nguy hiểm cho bé nếu không được phát hiện, như trẻ trước đó có viêm phổi nhưng thường trẻ sơ sinh bị viêm phổi chỉ thở nhanh, không sốt, vẫn bú được nên người nhà không phát hiện. Nếu lỡ tiêm ngừa và việc tiêm khiến tình trạng bệnh nặng thêm thì rất nguy hiểm cho trẻ. Việc sử dụng một số loại dược phẩm hoặc có điều trị một số bệnh lý trong vài tháng trước khi tiêm cũng có thể khiến vắc-xin mất tác dụng… Nhìn chung, việc khám sàng lọc kỹ là một trong những yêu cầu bắt buộc để cuộc tiêm được an toàn” - BS Từ Anh phân tích.
BS Nguyễn Minh Tiến cũng khuyến cáo: “Tình trạng sốt, khó chịu một chút sau khi chích ngừa là biểu hiện rất thường gặp và không có gì đáng ngại ở trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý những biểu hiện trở nặng - có thể trẻ đã gặp biến chứng do tiêm như sốt quá cao mà thuốc hạ sốt không có tác dụng, dẫn đến co giật, có biểu hiện suy hô hấp, vết thương tại chỗ viêm tấy… Khi đó cần đưa trẻ đến BV ngay. Có những loại vắc-xin sẽ gây sốt và khó chịu ở trẻ nên việc tiêm ngừa phải cân nhắc giữa lợi và hại. Nếu quá lo lắng những cơn sốt do tiêm mà không tiêm ngừa những loại vắc-xin cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì em bé có nguy cơ mắc các bệnh lý vốn rất nguy hiểm đối với trẻ. Vấn đề chính ở đây là việc theo dõi và chăm sóc trẻ đúng cách sau tiêm”.
Theo dõi trẻ sau tiêm
BS Nguyễn Thị Từ Anh cho biết theo quy trình chuẩn, trẻ em sau tiêm ngừa phải được giữ lại cơ sở y tế 30 phút để theo dõi chặt tình trạng sốc phản vệ nếu có. Sau đó, khoảng từ 24-48 giờ sau tiêm, trẻ cần được theo dõi tại nhà. Trẻ cần được đưa đến BV nếu có những biểu hiện: thở bất thường, sốt cao liên tục và không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt, quấy khóc liên tục, bú không được, co giật, tím tái, có những cơn lạnh người kéo dài… Đối với vết chích, phụ huynh nên ép chặt miếng bông gòn được nhân viên y tế đặt lên vết thương sau khi tiêm. Đa số các nơi đều cung cấp băng dán cá nhân để cố định miếng bông, phụ huynh có thể gỡ miếng bông ra khoảng 1 giờ sau tiêm.
Bình luận (0)