Nhà nghiên cứu Mathias Nahrendorf từ Trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston (Mỹ) đã tìm ra các cấu trúc từ năm 2018 khi xem xét hộp sọ của chuột, sau đó là con người.
Từ đó đến nay, họ đã cố xác định chức năng của bộ phận chưa từng biết này. Chúng như những đường nối siêu nhỏ giữa tủy của hộp sọ và màng não.
Các kênh vận chuyển tế bào miễn dịch dạng đường hầm trong não người (Ảnh: Nature Neurosience)
Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã phát triển một kỹ thuật "đánh dấu" các tế bào bằng cách nhuộm màng huỳnh quang, tiêm vào tùy xương ở chuột. Các tế bào nhuộm đỏ được tiêm vào hộp sọ và các tế bào nhuộm xanh tiêm vào xương chày.
Họ phát hiện ra rằng khi có tác nhân ngoại lai tấn công, hộp sọ đóng góp nhiều bạch cầu trung tính cho bộ não hơn là xương chày đóng góp cho các bộ phận cơ thể gần nó. Điều đó giúp lần ra manh mối về các cấu trúc kết nối chỉ có ở não nói trên.
Theo Science Alert, bước kiểm tra tiếp theo cho thấy những đường nối đó thực ra là những đường hầm, nơi tế bào miễn dịch đã được hộp sọ chuyển nhanh tới não để bảo vệ não khi có sự cố viêm, bao gồm đột quỵ và viêm màng não.
Các đường hầm này - hay có thể gọi là kênh vận chuyển tế bào miễn dịch - ở con người lớn hơn gấp 5 lần so với chuột, giúp quá trình lưu thông cực kỳ hiệu quả.
Phát hiện hứa hẹn sẽ giúp giải mã những cơ chế của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân gây viêm, cũng như những mối đe dọa ngược trong các bệnh rối loạn miễn dịch, khiến hệ thống miễn dịch trở nên quá mức và tấn công não như bệnh đa xơ cứng. Hiểu được cơ chế và con đường vận hành sẽ tạo điều kiện cho những phương pháp điều trị trúng đích, hiệu quả.
Bình luận (0)