Các nhà khoa học từ Bệnh viện City of Hope (Duarte, California, Mỹ) cho biết họ đã đạt được thành công khó tin trong thử nghiệm động vật và đang tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người nhằm tìm ra liều lượng, cách dùng hợp lý nhất. "Thần dược" chống ung thư ruột này hết sức quen thuộc: aspirin, một thuốc giảm đau - kháng viêm phổ biến.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Ajay Goel đã sử dụng song song mô hình thử nghiệm trên chuột và một mô hình toán học trên máy tính để đánh giá tác động của aspirin lên cơ thể. Khá bất ngờ, loại thuốc bị cho là có hại cho đường tiêu hóa (tác dụng phụ chính của nó là gây đau, xuất huyết dạ dày nếu lạm dụng) lại phát huy lợi ích đối với người có bệnh ung thư.
Aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp đẩy lùi ung thư ruột - ảnh minh họa từ internet
Với một liều aspirin thấp hàng ngày, người bệnh có nhiều tế bào ung thư bị chết đi hơn, tốc độ phân chia tế bào cũng giảm hẳn, đồng nghĩa với việc tăng khả năng khối u bị phá hủy và ngăn chặn việc bệnh lây lan.
Thử nghiệm đã được tiến hành trên 4 dòng tế bào ung thư ruột khác nhau, bao gồm loại khối u mang đột biến gene PIK3CA làm tăng nguy cơ ung thư ruột – tử cung – vú.
Họ cũng đã thử nghiệm 3 mức sử dụng khác nhau là 15mg/kg, 50 mg/kg và 100 mg/kg trong thử nghiệm trên chuột. Điều này tương đương với mức 100 mg – 300 mg – 600 mg/ngày ở một người có cân nặng trung bình.
Kết quả cho thấy liều càng cao thì càng có nhiều tế bào ung thư "tự tử". Tất cả như một hiệu ứng domino giúp căn bệnh dần được đẩy lùi.
Hiện có tới 6 triệu người Mỹ đang dùng aspirin liều thấp hàng ngày để đẩy lùi các căn bệnh về tim mạch. Đối với bệnh tim, liều dùng trung bình là 75 mg/ngày.
Các tác giả cho biết phát hiện trên là rất đáng mừng cho các bệnh nhân ung thư ruột, bởi aspirin rất rẻ và dễ dùng. Tác dụng phụ của nó cũng nhỏ hơn nhiều so với các loại thuốc đặc trị ung thư. Ung thư ruột (ung thư đại trực tràng) lại vô cùng phổ biến, mỗi năm ở Mỹ có tới 95.000 người bị chẩn đoán mắc bệnh này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo bạn không nên tự dùng aspirin hàng ngày. Việc sử dụng, dù chỉ để phòng bệnh, vẫn cần bác sĩ kê toa.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Carcinogenesis.
Bình luận (0)