Hai nghiên cứu độc lập vừa được công bố bởi Trường Y khoa – Đại học Harvard (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Y sinh Novartis (Thụy Sĩ) đã xác định được một loại tế bào hiếm và chưa từng được biết đến trong cơ thể người, tạm được đặt tên là "tế bào ion phổi".
Cùng sử dụng công nghệ giải trình tự tế bào đơn, cả 2 nhóm đã phân tích biểu hiện gene của hàng chục nghìn tế bào được phân lập từ đường hô hấp của con người và chuột, từ đó phát hiện ra loại tế bào lạ này và vai trò của chúng.
Các tế bào ion phổi chưa từng biết đến trong cơ thể con người - ảnh: Sci-News
Điểm đặc biệt của dạng tế bào này là nó liên quan mật thiết đến gene CFTR, được biết đến như yếu tố di truyền ảnh hưởng lớn đến sức khỏe buồng phổi.
Được xác định từ năm 1980, CFTR điều chỉnh một protein vận chuyển ion clorua trong màng tế bào, như một công cụ làm sạch chất nhầy trong đường hô hấp. Nhiều người trong số chúng ta mang đột biến với gene này, khiến nó hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến sự tích tụ chất nhầy dày trong phổi, tuyến tụy và các cơ quan khác, khiến nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp tăng cao và nhanh chóng bị xơ nang phổi.
Xơ nang dẫn đến nhiều tình trạng bệnh lý ở phổi ngay từ thời niên thiếu: dễ bị viêm mũi, họng, viêm phế quản cấp và mạn, giãn phế quản, viêm phổi, xẹp phổi, tổn thương nhu mô và vùng nhánh phế quản… Các bệnh phổi nói trên đều có thể trở nên nguy hiểm, đe dọa tính mạng và chất lượng sống của người bệnh.
Trong 2 bài viết mới được công bố trên tạp chí Nature, 2 nhóm nghiên cứu cho biết phần lớn các biểu hiện của gene CFTR xảy ra trong các tế bào ion phổi mới được xác định, dù chúng chỉ chiếm khoảng 1% các tế bào đường hô hấp.
Vì vậy, theo tiến sĩ Aron Jaffe, thành viên nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y sinh Novartis, có thể cứu thoát nhiều người khỏi nguy cơ cao mắc các bệnh phổi bằng cách gia tăng tế bào ion phổi, từ đó gia tăng hoạt động lành mạnh của CFTR, điều hòa trở lại bề mặt đường dẫn khí và đẩy lùi tác hại của các gene đột biến. Đồng thời, nó cung cấp cơ sở cho các nhà nghiên cứu xây dựng liệu pháp gene để sửa chữa các đột biến CFTR.
Bình luận (0)