Bé gái Bé P.P.T. (6 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào giữa tháng 2 với lý do mẹ bé quan sát thấy nhiều lần bé lượm tóc để ăn. Bé chỉ cân nặng 13kg, hay nôn ói khi ăn, sức khỏe suy yếu. Kết quả chẩn đoán nhanh chóng cho thấy có một búi tóc lớn bên trong dạ dày, ruột non của cháu bé. Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé mắc một chứng bệnh khá hiếm gặp mang tên nàng “công chúa tóc mây” Rapunzel trong truyện cổ Grim, cô gái có mái tóc rất dài bị nhốt trong tháp và đã dùng chính mái tóc đặc biệt của mình làm dây thừng giúp người khác leo lên tháp.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu đang kiểm tra lại vết mổ cho bé T. - ẢNH: ANH THƯ
Thông thường với trẻ có thói quen ăn tóc, búi tóc bị ăn sẽ tạo thành một khối dị vật trong dạ dày, nhưng có những trường hợp đuôi búi tóc có khi kéo dài đến tận ruột non, và nếu hội thêm yếu tố trẻ tự bứt tóc mình để ăn thì sẽ được gọi là bệnh Rapunzel. Nguyên nhân của tên gọi này là phần đuôi búi tóc được cơ thể bện chắc và kéo dài trong ruột, có khi một phần bị chuyển sang màu vàng do tác dụng của mật. Với bé T., các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và lấy ra búi tóc có đường kính lên đến 8x12cm, chiếm gần trọn dạ dày và đuôi dài đến 40 cm.
“Tôi đã gặp hàng chục ca như thế này, nhưng riêng trong tháng vừa qua, ngoài bé T. còn có đến 3 ca khác liên tục nhập viện vì cùng lý do. Đáng lưu ý rằng có đế 50% các trường hợp phụ huynh không hề biết con mình ăn tóc!” – bác sĩ Hiếu cho biết. Theo ông, khi búi tóc chiếm một khoảng không lớn trong dạ dày, nó chỉ cho một lượng thức ăn rất nhỏ đi qua. Nếu trẻ ăn nhiều hơn, trẻ sẽ bị nôn ói. Vì vậy, các cháu bé ăn tóc thường bị suy dinh dưỡng khá nặng. Căn bệnh này phẫu thuật không khó, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là trẻ cần được điều trị tâm lý lâu dài, nếu không tình trạng ăn tóc lại tái diễn.
Theo các nghiên cứu, bệnh thường gặp ở các trẻ đã phải trải qua một sang chấn tâm lý nào đó hay nhóm trẻ ít được sự quan tâm của cha mẹ, sống thu mình và có những thói quen vặt như cắn móng tay, bứt tóc… Trong suốt quá trình điều trị, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ, thay đổi thói quen chăm sóc trẻ để bé thoát khỏi trạng thái tâm lý tiêu cực, cảm thấy được yêu thương và dần chuyển mối quan tâm sang các hoạt động khác thay vì những thói quen xấu kể trên.
Bác sĩ Hiếu cũng cho biết, theo như ông tham khảo từ các đồng nghiệp ở các tỉnh, có khá nhiều trường hợp được ghi nhận, và ngoài tóc ra, các trẻ này còn ăn cao su, bông gòn, len, vôi vữa, các loại hạt cứng không ăn được… Bệnh cũng có thể gặp ở người lớn, và người bệnh ăn những thứ không phải thực phẩm vì một lý do đơn giản: họ cảm thấy thèm ăn thứ đó điên cuồng và không thể cưỡng lại được.
Bình luận (0)