Ngày nọ, ông Phạm Văn B. bỗng thấy đau nhiều ở bụng, hai chân lạnh và hơi tím, bệnh nhân mệt nhiều và được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ khám phát hiện bệnh nhân bị cao huyết áp, vùng bụng dưới có một khối u căng và đập theo nhịp mạch. Một bác sĩ có kinh nghiệm hơn được mời đến, sau một loạt các xét nghiệm cận lâm sàng thông thường với sự trợ giúp của siêu âm Doppler màu mạch máu, bệnh nhân được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng dưới thận dọa vỡ. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ túi phình, ghép mạch máu bằng ống ghép nhân tạo Dacron. Bệnh nhân đã được cứu sống trong niềm vui của gia đình.
Vài con số về bệnh phình động mạch chủ bụng Trên thế giới, nhất là ở các nước Âu Mỹ, tỉ lệ phình động mạch chủ bụng khá cao, chiếm đến 5,5% các bệnh về mạch máu. Tỉ lệ tử vong do vỡ túi phình lên đến 85%, trong đó có 45% chết trước khi nhập viện, 25% chết trước khi được phẫu thuật và 15% chết sau khi phẫu thuật. Ở Việt Nam, hiện nay chưa có những thống kê đầy đủ, tuy nhiên trước năm 1975, bệnh nhân thỉnh thoảng điều trị tại Bệnh viện Bình Dân TPHCM chủ yếu là trong tình trạng cấp cứu. Theo giáo sư Văn Tần, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, những năm 1984-1985 chỉ có 5-6 bệnh nhân một năm nhưng đã tăng lên gấp 10 lần vào những năm 1994-1995. Từ năm 1990 đến nay, phẫu thuật trên bệnh nhân phình động mạch chủ bụng đã phát triển thành phẫu thuật thường quy hàng ngày trong mổ chương trình và cấp cứu tại các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhân dân Gia Định v.v... |
Khi nào gọi là phình động mạch chủ bụng?
Theo Hiệp hội Phẫu thuật mạch máu quốc gia Mỹ, động mạch được gọi là phình khi đường kính động mạch đo được qua CT (chụp động mạch cắt lớp bằng điện toán) lớn hơn đoạn động mạch bình thường chỗ bên trên 1,5 lần. Ở Việt Nam, đường kính trung bình của động mạch chủ bụng là 1,9 cm ở phụ nữ và 2,2 cm ở đàn ông. Động mạch chủ được gọi là phình khi đường kính từ 3 cm đến trên 5 cm (phình lớn) cần có chỉ định mổ nếu không sẽ bị vỡ đột ngột và tử vong.
Tần suất mắc bệnh ngày càng tăng
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy: Ở độ tuổi từ 60 trở lên có ít nhất 5% số người bị phình động mạch chủ bụng. Hàng năm có khoảng 15.000 người chết vì phình động mạch chủ bụng, đứng hàng thứ 10 về các nguyên nhân gây tử vong ở nam giới trên 55 tuổi. Tần suất mắc bệnh ở nam giới gấp 4 lần nữ giới. Tỉ lệ mắc bệnh trong dân chúng tăng dần theo tuổi thọ.
Những nghiên cứu mới nhất gần đây còn cho thấy số bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng ở nhóm hút thuốc lá cao gấp 8 lần so với nhóm không hút thuốc. Có đến 40% bệnh nhân bị cao huyết áp và nguyên nhân do xơ vữa động mạch chiếm 95%. Một số các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn là: nhiễm trùng mạch máu, bóc tách động mạch chủ mạn, bệnh tự miễn Takayasu, giang mai, nấm...
Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu cụ thể, nhưng chỉ trong vòng 3 năm từ 1996-1999, tại Bệnh viện Bình Dân số lượng bệnh nhân đã lên đến trên 200 người. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chỉ trong hai tuần đầu của tháng 10-2002 đã có ba bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng được mổ. Hiện nay hầu như tuần nào cũng có bệnh nhân phình động mạch chủ bụng được mổ. Phần lớn bệnh nhân đều được cứu sống và ra viện an toàn. Tuy nhiên một số bệnh nhân vì quá già yếu hoặc đến trễ, túi phình đã vỡ vào trong ổ bụng nên kết quả phẫu thuật rất hạn chế.
Phòng ngừa và điều trị Ước khoảng 95% phình động mạch chủ bụng có nguyên nhân từ xơ vữa động mạch. Chính vì vậy phương pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là có một chế độ ăn uống thích hợp, hạn chế sử dụng các loại mỡ động vật, ăn nhiều rau quả tươi, chế độ ăn ít calorie, vận động cơ thể thường xuyên, không hút thuốc lá. Điều trị ngay chứng rối loạn chuyển hóa lipid... Những bệnh nhân đã được chẩn đoán là phình động mạch chủ bụng, nên phẫu thuật sớm. Khi chưa có điều kiện để mổ, phải thường xuyên theo dõi để tránh tình trạng vỡ túi phình. Phình động mạch chủ bụng trong mọi trường hợp đều phải mổ để lấy đi toàn bộ túi phình và thay vào đó là một đoạn động mạch nhân tạo. Tuy nhiên, khi chỉ định phẫu thuật cũng cần phải cân nhắc đến các yếu tố nguy cơ và các bệnh đi kèm mà người bệnh mắc phải do tuổi tác lớn. Trong trường hợp túi phình bị vỡ, việc chỉ định mổ cấp cứu là bắt buộc, việc phát hiện sớm có thể cứu sống được bệnh nhân. Những trường hợp vỡ túi phình tại nhà do phát hiện trễ, bệnh nhân thường vào bệnh viện trong tình trạng rất nặng như mạch nhanh, huyết áp hạ, khả năng cứu sống bệnh nhân chỉ khoảng 50%. |
Chú ý những cơn đau tăng dần và liên tục
Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng. Đau từ thượng vị và đau lan ra sau lưng, đôi khi xuống mông hoặc bẹn làm nhiều bệnh nhân tưởng là đau dạ dày và tự đi mua thuốc về uống nhưng lúc đỡ lúc không. Nếu đau đột ngột tăng lên hoặc trở nên liên tục phải coi chừng khả năng vỡ túi phình.
Một số triệu chứng về tình trạng thiếu máu mãn tính của hai chân như: hoại tử đầu chi, vọp bẻ, tắc động mạch nuôi chi cấp tính v.v...
Một số bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng mạch tăng nhanh, huyết áp hạ, tay chân lạnh, bụng đau dữ dội, nguyên nhân do túi phình động mạch bị vỡ, chúng tôi phải tiến hành mổ cấp cứu và phải vận dụng nỗ lực tối đa của bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê hồi sức, vừa xoa bóp tim, vừa bơm máu trực tiếp vào động mạch mới có thể cứu sống bệnh nhân.
Một số biến chứng nguy hiểm
Biến chứng đầu tiên hay gặp nhất và là kết quả của sự tiến triển tự nhiên của bệnh này là vỡ túi phình. Biến chứng vỡ của phình động mạch chủ có thể được báo trước bằng cơn đau kịch phát. Ngoài ra phình động mạch chủ bụng còn có thể vỡ vào các cơ quan nội tạng khác như: vỡ vào tá tràng gây nôn ra máu ồ ạt, vỡ vào tĩnh mạch chủ dưới gây dò động tĩnh mạch và bệnh nhân sẽ tử vong vì suy tim cấp.
Một số biến chứng khác ít gặp hơn như thiếu máu cấp tính hai chi dưới, chèn ép tá tràng gây hẹp môn vị, chèn ép niệu quản trái gây cơn đau quặn thận và ứ nước thận trái v.v...
Bình luận (0)