Một bệnh nhi bị phỏng nước sôi, do sơ cứu sai nên khi nhập viện thì tình trạng phỏng đã rất nặng
Hậu quả thương tâm
PGS-TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng quốc gia, cho biết vừa cấp cứu, điều trị cho bệnh nhi Nguyễn Huy B. (3 tuổi, ngụ huyện Từ Liêm - Hà Nội). B. bị phỏng kép (cả nóng và lạnh) do bị cả nồi canh nóng đổ vào chân. Thấy con kêu khóc vì phỏng rát, người mẹ ngâm cả hai chân con vào thùng đựng đầy đá để hạ nhiệt.
Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, vùng da phỏng của cháu B. đã có dấu hiệu đông lại và tạo thành các tinh thể đá. Tuy nhiên, may mắn vì thời gian ngâm đá ngắn nên vết phỏng lạnh chưa gây hậu quả tới mức phải cắt cụt chi.
TS Tuấn nói: “Cơ chế dẫn đến hoại tử do phỏng lạnh thường diễn biến không rầm rộ nhưng khả năng bảo tồn khi điều trị vết phỏng rất khó khăn. Thậm chí phải cắt cụt chi do các tế bào, mạch máu đông cứng không còn khả năng nuôi dưỡng. Hơn nữa, mức độ tổn thương do phỏng lạnh cũng rất khó phát hiện do đã lẫn vào phỏng nóng nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều”.
Trong số 1.300-1.500 ca phỏng trẻ em nhập Viện Bỏng quốc gia mỗi năm, chỉ có khoảng 10%-20% trước đó được ngâm rửa tích cực, có tác dụng làm nhẹ vết phỏng. Có những ca phỏng sơ cứu sai đã để lại hậu quả rất thương tâm.
Với nhiều y, bác sĩ ở đây, trường hợp một bé trai hơn 2 tuổi, tử vong do phỏng vẫn còn là nỗi ám ảnh. Cháu bé này bị phỏng gần như toàn thân do nghịch nước sôi. Khi người bố phát hiện được đã vội vàng ôm con ngâm vào vại cà đang muối 30 phút, theo kinh nghiệm do hàng xóm chỉ. Khi được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên Viện Bỏng quốc gia thì cháu bé đã sốc phỏng và tử vong.
Nước sạch là “thuốc”
Theo TS Tuấn, có vô số cách sơ cứu phỏng kiểu truyền miệng được người dân áp dụng triệt để trong trường hợp người thân bị phỏng. Có người bôi nước mắm, nước tương, mực, mẻ, đắp thuốc nam, thuốc đông y... thậm chí rắc cả vôi bột lên vết phỏng.
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cảnh báo có những chất mà lâu nay mọi người tưởng rằng rất “hiền” như kem đánh răng, mỡ trăn, lòng trắng trứng, giấm, dầu cá… giúp làm dịu vết phỏng nhưng khi thoa lên vùng tổn thương sẽ làm nhiệt không thoát ra ngoài, khiến tình trạng phỏng càng nặng hơn. Đặc biệt, với vùng phỏng sâu, các biện pháp này còn là yếu tố gây hoại tử vết thương, gây biến chứng nặng như sốc phỏng, nhiễm trùng máu, biến chứng ở nội tạng...
Các chuyên gia điều trị phỏng khuyến cáo: Trong trường hợp phỏng nước sôi hay các loại phỏng nhiệt nói chung, cách sơ cứu hiệu quả nhất là nhanh chóng ngâm rửa vết phỏng trong nước sạch khoảng 30 phút đến 1 giờ. Biện pháp này đơn giản nhưng rất hiệu quả bởi sẽ giúp rửa loãng và hòa trôi tác nhân gây phỏng, giảm nhiệt độ, giảm độ sâu và diện tích vết phỏng nên sẽ giảm mức độ nặng. Trong thực hành sơ cứu sau phỏng, tốt nhất là dùng nước máy nhưng nếu không có thì có thể sử dụng nước giếng, nước mưa, nước hồ, sông, suối sạch… Nước sạch có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau và phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu vết phỏng.
Với những bệnh nhân phỏng axít hay hóa chất, việc dội nước sạch sẽ làm loãng các chất này rất tốt cho bệnh nhân. “Tuyệt đối không dùng nước mắm, muối, xà phòng hay kem đánh răng bôi lên nơi tổn thương vì các chất này đều có tính kiềm hoặc axít, sẽ khiến bệnh nhân bị phỏng 2 lần. Ngoài ra, không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ, nhất là việc ngâm cả người vào nước đá lạnh sẽ rất nguy hiểm vì gây co mạch và tụt thân nhiệt dẫn đến cảm lạnh”- bác sĩ Thống lưu ý.
Nghệ không làm vết phỏng hết thâm Bị phỏng do ống pô xe máy dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, bởi hậu quả thường là những vết sẹo sậm màu và loang lổ trên bắp chân. Theo bác sĩ Nguyễn Thống, phỏng bô xe máy thường dễ phỏng sâu do nhiệt độ của ống bô rất cao. Do vậy, thời gian điều trị thường kéo dài. Cách sơ cứu tốt nhất là dội nước mát sạch lên vùng phỏng. Không nên bôi nghệ tươi hay các loại kem có nghệ lên vết phỏng để “hết thâm” vì tỉ lệ dị ứng do nghệ tươi khá cao, thậm chí nhiều trường hợp sau khi bôi nghệ làm vết sẹo bị đen bóng, rất khó khắc phục. |
Bình luận (0)