Ngày 4-2, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa tiếp nhận nạn nhân Tô Phúc Thành (SN 1995, ngụ huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bị phỏng cồn nước độ 2-3, diện tích 70% cơ thể. Thành đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Lúc lửa cháy nạn nhân cởi quần áo khiến khuôn mặt cùng bị phỏng
Trước đó, trưa ngày 3-2, một số người đang là sinh viên đại học tổ chức tiệc tất niên tại nhà và mời Thành sang chung vui. Khi bếp lẩu hết cồn, một người trong bàn lấy chai cồn nước châm vào. Bất ngờ, ngọn lửa phụt vào người khiến bộ quần áo Thành đang mặc cháy dữ dội.
Nạn nhân bị cồn đốt cháy từ mặt đến gót chân
Lập tức, gia đình dùng mền phủ lên người nạn nhân để dập tắt ngọn lửa rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tuy nhiên, do vết phỏng nặng nên Thành được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy tối cùng ngày.
Nằm trên giường bệnh, Thành cho biết: “Lúc đó em ngồi đối diện người chế cồn. Em đang cầm chén thì ngọn lửa cồn bắn vào người khiến bộ đồ đang mặc cháy rụi. Bây giờ, em cảm thấy đau buốt khắp người”.
Phỏng lửa cồn nước thường xảy ra do người dân dùng để nấu lẩu hoặc nhóm lửa. Trước đó, ngày 14-8, ông Phạm Văn Nghiệp (SN 1962, quê Quảng Ninh) bị bỏng nặng khi cùng đoàn khách ghé vào một quán ăn ở Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai).
Khi đang ăn lẩu, bếp gần hết cồn, nhân viên mang bình cồn ra châm. Lúc này lửa phụt lên, nhân viên quán ăn hoảng hốt ném bình cồn vào người ông Nghiệp làm lửa bốc cháy dữ dội. Ông Nghiệp nhập viện trong tình trạng vết phỏng nông, chiếm diện tích 14% do cồn gây ra ở mặt, bụng và tay. Ngoài ra, nạn nhân còn bị phỏng mi và kết giác mạc hai mắt.
Ông Nghiệp cũng bị phỏng nặng do lửa cồn gây ra. Ảnh chụp ngày 14-8-2012
Tiến sĩ- bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thỉnh thoảng bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân phỏng nặng do cồn gây ra trong lúc nấu lẩu. Mặc dù phỏng cồn thường không để lại di chứng nặng nề như axit nhưng người dân cũng nên hết sức thận trọng.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!