Trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú và cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Riêng ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất. Tại Việt Nam, nữ giới trong độ tuổi 40-55 có tỉ lệ mắc ung thư vú khá cao và trẻ hơn so với thế giới.
Phát hiện sớm, đỡ lo
Chị Nguyễn Thị M. (35 tuổi, Hà Nội) nhớ lại quãng thời gian 2 năm trước khi bị chẩn đoán ung thư vú sau lần khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức. Khi đó, chị đã trao đổi với bác sĩ triệu chứng đau nhói mơ hồ ở ngực nên được khám và chỉ định khám chuyên sâu. Nhận kết quả ung thư vú, chị M. suy sụp bởi khi đó con gái chỉ mới 4 tuổi.
"Lúc đó, tôi thương con sẽ không được mẹ chăm sóc vì nghĩ sớm muộn mình cũng sẽ chết. Kết quả sinh thiết tôi mới mắc ung thư vú giai đoạn 1 - giai đoạn có thể cắt bỏ khối u mà vẫn bảo toàn vú, cũng như hóa xạ trị không còn tế bào ung thư. Sau các đợt điều trị, đến nay sức khỏe tôi ổn định và đang chuẩn bị để mang bầu bé thứ 2" - chị M. kể.
Không may mắn như chị M., bệnh nhân P.A.T (46 tuổi, ở Ninh Bình) phát hiện ung thư vú phải khi đã ở giai đoạn 4. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, bác sĩ kết luận bà T. bị ung thư vú nhưng đã di căn gan.
Khám sàng lọc ung thư vú cho người dân tại một chương trình khám sức khỏe miễn phí
PGS-TS Lê Hồng Quang, Trưởng Khoa Ngoại vú, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết ung thư vú là một trong những bệnh ác tính phổ biến nhất của phụ nữ. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi 40-55. Thậm chí, trong quá trình làm chuyên môn, bác sĩ đã từng gặp những trường hợp mới ngoài 20 tuổi đã bị ung thư vú. Thống kê của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020) cũng cho thấy tại Việt Nam, ung thư vú là căn bệnh thường gặp nhất với 21.555 ca mắc mới, chiếm gần 25,8% tổng số ca ung thư.
"Ung thư vú thường xuất hiện với triệu chứng là có u cục ở tuyến vú. Thông thường, những u cục mới xuất hiện không gây đau nên bệnh nhân chủ quan. Khối u thường phát triển âm thầm, tăng dần theo thời gian, đến một kích cỡ nhất định bệnh nhân mới lo lắng và đi khám. Bên cạnh đó, một số biểu hiện khác là xuất hiện hạch ở vùng nách, loét đầu núm vú, chảy dịch đầu vú" - PGS Lê Hồng Quang nói.
Trong khi đó, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 30 trở lên, phổ biến từ 50-60 tuổi và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Thống kê năm 2020 cho thấy Việt Nam có khoảng hơn 4.000 ca mắc mới và khoảng 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Nhiễm HPV (Human Papilloma Virus - virus gây u nhú ở người) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung. 90%-100% bệnh nhân ung thư cổ tử cung có HPV dương tính. Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố nguy cơ khác như: hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình), nhiễm trùng… Tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện bằng thăm khám thông thường, xét nghiệm tế bào, nếu có tổn thương nghi ngờ người bệnh sẽ được chỉ định sinh thiết cổ tử cung.
Thêm quyền lợi khám sức khỏe cho lao động nữ
Từ ngày 20-6, lao động nữ sẽ được sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ. Đây là một trong những nội dung của Thông tư 09/2023 TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 14/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe vừa được Bộ Y tế ban hành. Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết đây là lần đầu tiên 2 loại ung thư hay gặp ở phụ nữ được đưa vào danh mục khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, sàng lọc nhằm phát hiện sớm bệnh để điều trị hiệu quả.
Thông tư 09/2023 TT-BYT hướng dẫn sàng lọc, phát hiện sớm tổn thương cổ tử cung bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung, xét nghiệm HPV. Khám sàng lọc ung thư vú như siêu âm, chụp X-quang tuyến vú.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật An toàn, Vệ sinh lao động, người lao động được khám sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm, kinh phí do người sử dụng lao động chi trả. Nếu tính theo khung giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung, mức chi trả cho mỗi lần khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ sẽ tăng khoảng 300.000 đồng.
Giới chuyên môn cho biết trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn một thì tỉ lệ sống trên 5 năm là 100%, với ung thư cổ tử cung là 80%-93%. Thực tế, nhiều bệnh nhân phát hiện mắc ung thư và điều trị ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí tốn kém và kéo dài.
Thời gian qua, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, đã có nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả ung thư ra đời. Điều này giúp tỉ lệ phát hiện sớm 2 loại ung thư nói trên đã tăng đáng kể. Nhiều bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn và trở về cuộc sống bình thường.
Những đối tượng dễ mắc ung thư
PGS - TS Lê Hồng Quang khuyến cáo với ung thư vú, việc sàng lọc sớm nên được tiến hành đều đặn với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, người mà trong gia đình có tiền sử mắc bệnh (mẹ, dì... bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung)... Ngoài ra, những phụ nữ lấy chồng, sinh con muộn hoặc không sinh đẻ thì cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn. Phụ nữ qua độ tuổi mãn kinh dùng thuốc nội tiết tố thay thế có thời gian kéo dài cũng cần lưu ý các biện pháp phát hiện ung thư sớm.
Với ung thư cổ tử cung, việc sàng lọc sớm nên được tiến hành đều đặn với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên; đặc biệt là người nhiễm HPV, phụ nữ quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, đã từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, sinh nở muộn...
Bình luận (0)