Tuy XHKDN hiếm gặp, chỉ chiếm 3% tổng số ca đột quỵ nhưng tai biến này để lại những hậu quả nặng nề như liệt, hôn mê và tử vong.
Dấu hiệu đầu tiên của XHKDN là đau đầu đột ngột và dữ dội, xuất hiện ở phía sau đầu. Các triệu chứng khác như: giảm ý thức, giảm tỉnh táo, thay đổi về tính khí và nhân cách, rối loạn đáp ứng của mắt với ánh sáng. XHKDN hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới và trước đây chưa rõ lý do. Nhưng hiện nay, TS Joni Valdemar Lindbohm, ĐH Helsinki ở Phần Lan, cùng các cộng sự đã trải qua một quá trình nghiên cứu và đi đến kết luận rằng việc hút thuốc lá khiến phụ nữ nhạy cảm với XHKDN.
Ông đã cùng cộng sự nghiên cứu 65.521 người, tuổi trung bình là 45, hơn một nửa trong số đó là phụ nữ. Họ bắt đầu nghiên cứu từ năm 1972, theo dõi cho đến cuối năm 2011. Kết quả cho thấy so với người không hút thuốc lá thì những ai hút thuốc rất dễ bị XHKDN. Càng hút nhiều, nguy cơ bị XHKDN càng cao. Phụ nữ bị nhiều hơn đàn ông.
Nếu hút 1-10 điếu/ngày thì đàn ông có nguy cơ bị XHKDN tăng 1,93 lần so với người không hút, trong khi ở phụ nữ tăng 2,95 lần. Hút 11-20 điếu/ngày, đàn ông có nguy cơ bị XHKDN tăng 2,13 lần so với người không hút, còn ở phụ nữ là 3,89 lần. Nếu hút 21-30 điếu/ngày thì phụ nữ có nguy cơ XHKDN lên đến 8,35 lần, trong khi ở đàn ông chỉ 2,76 lần.
Những kết quả này giải thích XHKDN hay gặp ở phụ nữ hơn đàn ông là do phụ nữ nhạy cảm với thuốc lá hơn. Tuy vậy, nếu bỏ thuốc lá, không hút ít nhất trong 6 tháng liền thì tỉ lệ XHKDN ở người bỏ thuốc lá ngang bằng với người không hút. Tóm lại, mọi người, dù là đàn ông hay phụ nữ, không nên hút thuốc lá để phòng tránh XHKDN hay chảy máu não.
Bình luận (0)