Ngày 22-12, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết UBND tỉnh này đã ra quyết định công nhận kết quả loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện đối với TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Phú Hòa. Đây là 3 đơn vị cấp huyện cuối cùng của tỉnh Phú Yên được công nhận loại trừ bệnh phong – căn bệnh ám ảnh của bao người đầu thế kỷ trước.
Trước đó, từ ngày 29-11 đến ngày 1-12, Bệnh viện Phong - Da Liễu Trung ương Quy Hòa cùng với Sở Y tế Phú Yên tiến hành kiểm tra công tác loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện tại TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Phú Hòa.
Khám sàng lọc bệnh nhân phong tại Phú Yên
Qua kiểm tra, thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Phú Hòa đều đạt 4 tiêu chí về loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện như: 3 năm liên tục có tỉ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân, 100% bệnh nhân phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng, 100% bệnh nhân phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị, 100% bệnh nhân phong nghèo khuyết tật nặng đều có nhà ở.
TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Phú Hòa là 3 địa phương cuối cùng của tỉnh Phú Yên được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. 6 đơn vị hành chí cấp huyện của tỉnh Phú Yên là thị xã Đông Hòa và các huyện Tuy An, Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân đã được công nhận loại trừ bệnh phong trước đó. Như vậy, Phú Yên đã hoàn thành mục tiêu 100%, 9/9 huyện, thị xã, thành phố được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện.
Có được kết quả này, theo ông Lê Xuân Bích, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tích cực trong công tác phòng chống bệnh phong như: Tuyên truyền đến từng hộ gia đình không phân biệt đối xử với bệnh nhân phong, nâng cao chất lượng chăm sóc phòng ngừa tàn tật và phẫu thuật phục hồi chức năng cho người tàn tật do bệnh phong. "Các bệnh nhân phong không những được theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà, mà còn tạo điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định đời sống để hòa nhập với cộng đồng" – ông Bích cho hay
Ông Lê Xuân Bích, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên (đứng), cùng đoàn kiểm tra công tác loại trừ bệnh phong tại thị xã Sông Cầu
Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tàn tật nặng nề và sự kỳ thị của cộng đồng đối với người mắc bệnh. Đầu thế kỷ trước, căn bệnh này từng gây ám ảnh với nhiều người. Có những con người tài hoa như nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng phải gánh chịu sự đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần từ căn bệnh này.
Tại Việt Nam, kể từ khi chương trình phòng, chống bệnh phong trở thành chương trình mục tiêu y tế quốc gia từ năm 1995, công tác phòng chống bệnh phong đã thu được nhiều kết quả. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh phong được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, ngành y tế hết sức quan tâm. Tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho người bệnh và con em họ để có thể tự lập, tự chủ cuộc sống; tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí điều trị cho những người bệnh có bệnh da, hoặc có bất thường trên da để tìm bệnh phong một cách kịp thời và hiệu quả.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc loại trừ bệnh phong được chia thành hai khái niệm: Loại trừ bệnh phong và thanh toán bệnh phong. Loại trừ bệnh phong, nghĩa là tỉ lệ phát hiện người mắc bệnh phong mới dưới 1/100.000 người; tỉ lệ lưu hành bệnh dưới 0,2/10.000 người. Thanh toán bệnh phong, nghĩa là vùng, quốc gia "không còn đất" cho trực khuẩn gây bệnh phong, không còn người mắc bệnh phong mới xuất hiện.
Bình luận (0)