Công trình nghiên cứu đã tạo nên một mô hình tự động của các tế bào cơ bắp, được thiết kế như một "nhà máy" hấp thụ và xử lý đường dư thừa. Nó được đưa vào ổ bụng của chuột thí nghiệm chỉ bằng một thủ thuật duy nhất.
Công trình trên do giáo sư Shulamit Levenberg từ Phòng thí nghiệm Kỹ thuật mô và tế bào gốc, Khoa Kỹ thuật y sinh của Technion, đứng đầu.
Theo Medical Xpress, các tế bào cơ là một trong những mục tiêu chính của insulin và có nhiệm vụ hấp thụ đường từ máu. Đó cũng là lý do bệnh nhân đái tháo đường type 2 luôn được yêu cầu phải tập thể dục.
Tiểu đường là một trong các bệnh mạn tính phổ biến nhất thế giới - Ảnh minh họa từ News Medical
Tuy nhiên hiện tại, việc điều trị đái tháo đường type 2 vẫn là hành trình đầy khó khăn bởi đó là bệnh mạn tính. Ngoài duy trì lối sống lành mạnh, bệnh nhân phải duy trì thuốc uống, hoặc nặng hơn là insulin dạng tiêm suốt đời. Về lâu dài, bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tổn thương võng mạc, suy thận, lưu lượng máu kém ở các chi (có thể dẫn tới cắt cụt chi), giảm tuổi thọ trung bình 10 năm.
Phương pháp mới này đã phát huy hiệu quả chỉ trong một lần duy nhất, nói cách khác là chữa khỏi bệnh đái tháo đường, thông qua việc dùng các tế bào được thiết kế để tạo ra nhiều chất vận chuyển đường được kích hoạt bằng insulin (GLUT4) hơn, từ đó cải thiện lượng đường trong máu và khả năng hấp thụ đường của các tế bào cơ tự nhiên khác, thông qua các tín hiệu mà các tế bào cơ trong cơ thể trao đổi với nhau.
Tế bào cơ được sử dụng để điều trị sẽ được lấy từ chính bệnh nhân để tránh thải ghép, theo công trình được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Advances.
Theo một thống kê tại Mỹ, tỉ lệ mắc đái tháo đường mạn tính là hơn 10% dân số, trong đó 90% là đái tháo đường type 2.
Bình luận (0)