Tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh vốn đã thấp nhưng sau sự cố 3 trẻ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở Quảng Trị khiến tỉ lệ tiêm vắc-xin này sụt giảm một cách đáng lo ngại, chỉ đạt khoảng 20%.
Chỉ 20% trẻ sơ sinh được bảo vệ
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong năm 2011, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi sơ sinh trên cả nước đạt 55%, năm 2012, tỉ lệ này tăng lên 70% nhưng đến năm 2013 lại giảm còn 56%. Đáng lo ngại là trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh chỉ đạt 20%, thậm chí có địa phương chỉ đạt 10%. GS Hiển cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi sơ sinh là do tâm lý của cả nhân viên y tế và người dân có phần hoang mang, lo lắng sau khi xảy ra sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào tháng 7-2013. Cho dù nguyên nhân khiến 3 trẻ tử vong nói trên đã được xác định không phải do vắc-xin mà do sơ suất của nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc nhưng tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi sơ sinh vẫn tiếp tục giảm.
Đây là lần thứ 2 tỉ lệ tiêm vắc-xin này giảm mạnh. Trước đó, sự cố một số trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B đã kéo tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin này từ hơn 90% (năm 2006) xuống còn 64% (năm 2007) và đến năm 2008 thì chỉ còn 25%. Theo một chuyên gia y tế, sau khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng và tử vong sau tiêm, tâm lý các bà mẹ và cán bộ y tế bị dao động. Nhiều người sợ không muốn cho con đi tiêm. Cán bộ y tế cũng e ngại, lo sợ phản ứng nặng xảy ra. vì thế, đã có hiện tượng do dự không muốn tiêm vắc-xin liều sơ sinh.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin viêm gan B là một trong những vắc-xin an toàn, thậm chí trẻ sinh non, sinh thiếu cân cũng không có chống chỉ định. Theo GS Hiển, tiêm vắc-xin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (3%-9%), sốt trên 37,7 độ C và có sốc phản vệ nhưng rất hiếm gặp, chỉ khoảng 1/600.000 liều.
Nguy cơ xơ gan, ung thư gan ở trẻ em
Từ tỉ lệ tiêm chủng quá thấp trong thời gian qua, GS Hiển lo ngại khó có thể giúp khống chế được tình trạng nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em, từ đó tỉ lệ xơ gan, ung thư gan chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ người mang virus viêm gan B rất cao, chiếm 10%-20% dân số. Nếu tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm virus, trẻ sẽ tránh được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh. Trong khi đó, mẹ có virus viêm gan B thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây nếu không được tiêm vắc-xin. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất bởi nếu trẻ nhiễm virus viêm gan B từ mẹ có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan sau đó. Việc điều trị lúc đó không chỉ tốn kém, lâu dài mà còn rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B.
Phân tích ở khía cạnh sàng lọc những đối tượng có nguy cơ cao trước khi quyết định tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh, GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho rằng khó khả thi. Ở Việt Nam, mỗi năm có 1,2 triệu trẻ em mới sinh, trong số đó, tỉ lệ viêm gan B ở các đối tượng khác nhau là 16%-20%, tức khoảng 80% các bà mẹ không mắc viêm gan B. Tuy nhiên, không thể xét nghiệm hết 1,2 triệu bà mẹ trước tiêm và nếu phải xét nghiệm 100% thì rất tốn kém. Do đó, tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh là cần thiết. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả. “Tiêm vắc-xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt trong phòng lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu” - GS Huấn khẳng định.
Theo khuyến cáo của WHO và chỉ đạo của Bộ Y tế, vắc-xin viêm gan B cần được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh vì đây là biện pháp hiệu quả nhất phòng tránh lây nhiễm viêm gan B từ mẹ hay từ các thành viên khác trong gia đình, những người xung quanh cho trẻ. Ở một số nước, việc tiêm vắc-xin cho trẻ còn được thực hiện trong 12 giờ đầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng trẻ mới sinh cũng cần có thời gian thích nghi với môi trường bên ngoài. Sự ổn định nhịp thở, da hồng, bú tốt là những dấu hiệu chứng tỏ một trẻ khỏe mạnh, khi đó có thể tiêm vắc-xin mà vẫn bảo đảm trẻ được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
Không tiêm là phạm luật
Ông Trần Đắc Phu cho biết theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, việc triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B là bắt buộc, tiêm chủng mở rộng là bắt buộc nhằm khống chế dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng. Bộ Y tế đã quyết định yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng sinh phải thực hiện tiêm viêm gan B mũi 1 trong 24 giờ đầu sau sinh. Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện chưa có cơ chế nhắc nhở, phạt như thế nào đối với những trường hợp từ chối tiêm mà mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được lợi ích bảo vệ sức khỏe của tiêm phòng.
Bình luận (0)