Thấy vùng kín xuất hiện nhiều khí hư, huyết trắng nên chị T.T.T (45 tuổi) đến một phòng khám trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM khám.
Dọa ung thư để moi tiền
Tại đây, chị được chẩn đoán lộ tuyến tử cung, nếu không điều trị sẽ vô sinh. Lo lắng, chị T. đồng ý điều trị và được đốt lộ tuyến, uống và truyền thuốc. Tuy nhiên, sau 2 tuần, tình trạng bệnh không giảm trong khi chi phí đã hơn 16 triệu đồng. Sau đó, chị đến bệnh viện khám lại thì mới biết tình trạng bệnh của mình không nghiêm trọng đến mức phải cắt, đốt.
"16 triệu đồng điều trị bệnh đã đóng là tiền tôi dành dụm 7 tháng. Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định mà còn bị lừa hết tiền. Tôi mong cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xử phạt phòng khám này để không ai bị mắc lừa như tôi nữa" - chị T. cho biết.
Không riêng chị T., chị T.Y (24 tuổi, quê Đắk Lắk) cũng bị ra huyết trắng. Thấy tình trạng ngày càng nặng, chị đến một phòng khám trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM thăm khám. Tại đây, sau khi thăm khám và thực hiện siêu âm, xét nghiệm, chị được chẩn đoán nấm âm đạo có khả năng vô sinh và nhiễm bệnh xã hội vì quan hệ tình dục bừa bãi. Để điều trị chị phải đóng 10 triệu đồng.
Phòng khám Đa khoa Hồng Phong đã bị đình chỉ hoạt động do có nhiều sai phạm
"Sau khi nghe tư vấn, tôi không đồng ý điều trị vì không mang đủ tiền. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cố gắng thuyết phục tôi bằng nhiều cách, như bệnh nghiêm trọng phải chữa ngay; nếu ra ngoài khám lại thì mất tiền xét nghiệm, siêu âm rất tốn kém; mượn tiền người thân, bạn bè. Lúc này tâm lý đang hoang mang nên tôi đồng ý. Sau đó, họ truyền dịch và chỉ rửa âm đạo" - chị Y. kể.
Chị Y. cho biết sau khi điều trị, hóa đơn chị nhận được không ghi rõ ràng tên phòng khám. Khi chị thắc mắc thì nhân viên không trả lời. Chỉ khi mẹ chị Y. đến nói chuyện và nhờ công an vào cuộc, họ mới hoàn trả số tiền gần 8 triệu đồng.
Không phải trường hợp nào cũng may mắn như chị Y. Cũng với chiêu thức "vẽ bệnh" như trên, ông L.Q.K (54 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) phải chi trả hơn 22,5 triệu đồng để điều trị chứng tiểu đêm nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Theo ông K., vì e ngại nên ông không đến bệnh viện thăm khám. Một lần tình cờ thấy bài quảng cáo cơ sở chuyên điều trị bệnh khó nói, địa chỉ tại quận 10, TP HCM, nên ông liên hệ và được nhân viên tư vấn, nhiều lần gọi điện thoại thuyết phục ông đến điều trị.
Tại phòng khám, ông K. được chẩn đoán nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Ông được tư vấn tiêm thuốc với giá 18 triệu đồng sẽ giúp khỏi 50%, còn muốn tỉ lệ khỏi trên 90% thì phải mua loại thuốc khác giá 22 triệu đồng. Nghe mắc ung thư nên ông hoảng sợ và đồng ý tiêm thuốc loại tốt. Tuy nhiên, sau tiêm thuốc, về nhà, tình trạng tiểu đêm của ông vẫn không dứt. Lúc này, ông đến một bệnh viện lớn để khám lại. Các bác sĩ đã kê đơn thuốc chỉ khoảng 1,2 triệu đồng, sau khi uống thì khỏi bệnh.
Không sợ xử phạt
Theo Sở Y tế TP HCM, hiện thành phố có 65 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài (vốn nước ngoài hoặc nhân sự nước ngoài tham gia khám chữa bệnh) với 120 bác sĩ là người nước ngoài.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết các phòng khám thường có vi phạm gần giống nhau khi ngành y tế kiểm tra như: người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá chuyên môn... "Những sai phạm này cứ lặp đi lặp lại dù đã bị xử phạt, thậm chí phạt ở khung cao nhất họ vẫn không sợ" - ông Thượng nói.
Một nạn nhân của phòng khám có yếu tố nước ngoài cùng xấp hóa đơn dày
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, các phòng khám có yếu tố nước ngoài thường hoạt động ngoài giấy phép đặc thù của ngành y tế. Cụ thể, việc thẩm định quy mô, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị… do Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách. Lợi dụng việc cấp phép kinh doanh, nhiều cá nhân sẵn sàng giải thể công ty đang bị xử lý vi phạm, mở công ty mới với pháp nhân mới; đồng thời thay đổi tên phòng khám nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí.
"Về pháp lý, họ không sai bởi luật chưa có quy định. Do đó, chúng ta cần rà soát, sửa đổi cho chặt chẽ hơn" - bác sĩ Thượng nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Thượng, về quy định, mức chế tài cho những vi phạm hiện nay đều theo khung. Cụ thể, quy định hiện hành chỉ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với một trong các hành vi như: khám chữa bệnh trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hành nghề; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn... Hình thức xử phạt bổ sung cũng chỉ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 22-24 tháng.
"Hình phạt cần phải nghiêm hơn nữa. Đặc biệt, với những người cố tình lợi dụng việc khám sức khỏe để vụ lợi thì càng phải xử nghiêm, như tước chứng chỉ hành nghề hoặc rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn mới đủ sức răn đe" - bác sĩ Thượng đề nghị.
Bác sĩ Thượng cho biết cách đây 3 năm, Sở Y tế TP HCM đã mở lớp tập huấn cho tất cả bác sĩ người Trung Quốc. Qua đó cho thấy trình độ chuyên môn của họ yếu kém, nhiều người không nắm được căn bản, thậm chí hạn chế khả năng ở một số chuyên khoa.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó cần quy định bác sĩ người nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu như: qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh. Bên cạnh đó, tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.
"Trước mắt, ngành y tế TP HCM sẽ thay đổi cung cách thanh tra, kiểm tra hoạt động của các phòng khám. Thay vì định kỳ, sẽ kiểm tra đột xuất đối với các phòng khám thường xuyên vi phạm và tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất" - bác sĩ Thượng khẳng định.
Đình chỉ hoạt động 2 phòng khám
Thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã kiểm tra đột xuất 12 phòng khám đa khoa (PKĐK) từng bị xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, có 4 phòng khám có người đăng ký hành nghề là người nước ngoài gồm: PKĐK Âu Á (quận 6), PKĐK Hoàn Cầu (quận 5), PKĐK Hồng Phong (quận 5) và PKĐK Thăng Long (quận 10).
Song song đó, Sở Y tế và Công an TP HCM đã phối hợp kiểm tra, phạt tiền, đình chỉ hoạt động PKĐK Hồng Phong (quận 5) và PKĐK Quốc tế (quận 1).
Ngoài ra, Công an TP HCM còn kiểm tra xử lý về công tác cư trú, xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài có liên quan các phòng khám và buộc xuất cảnh 2 người.
Bình luận (0)