Hơn 1 tháng nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH) với số ca bệnh ngày một tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 10-11, trên địa bàn tỉnh có 8.273 ca bệnh SXH (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018). Chỉ trong vòng 1 tuần, tính từ ngày 4 đến 10-11, tại tỉnh Quảng Nam có đến 506 ca bệnh mới, có giảm so với tuần trước nhưng số ca bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có nhiều ngày BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam phải kê giường ở hành lang để điều trị cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết (Trần Thường)
Trong 7 ngày, ngành y tế tỉnh Quảng Nam cũng ghi nhận có 19 ổ dịch SXH mới. Trong đó, thị xã Điện Bàn 7, TP Hội An 6, huyện Núi Thành 3, Quế Sơn 1, Tiên Phước 1, Phước Sơn 1. Các ổ dịch khác được ghi nhận trước đó vẫn chưa được dập dịch hoàn toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Nam sáng 13-11, hầu hết các phòng tại Khoa Y học Nhiệt đới đều chật kín bệnh nhân SXH. Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện tại BV đang điều trị hơn 80 ca SXH. Những ngày trước đó, do bệnh nhân quá đông buộc bệnh viện phải sắp xếp cho nằm ghép đồng thời phải kê thêm giường bệnh ở hành lang để điều trị. Ông Ẩn cho biết so với năm ngoái, số ca mắc SXH vào bệnh viện tăng đột biến.
Mỗi ngày, BV Đa khoa Minh Thiện tiếp nhận từ 10-15 ca bệnh sốt xuất huyết (Trần Thường)
Bác sĩ Phạm Ngọc Hòa Bình, Giám đốc BV Đa khoa Minh Thiện (TP Tam Kỳ), cho biết hơn 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận từ 10-15 bệnh nhân bị SXH đến điều trị. Có một vài thời điểm BV bị quá tải vì nhiều bệnh nhân SXH nhập viện. So với các năm trước, số ca bệnh năm nay tăng đột biến.
Lãnh đạo BV Đa khoa Trường CĐ Y tế Quảng Nam (TP Tam Kỳ), cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, BV chỉ tiếp nhận 11 ca SXH nhưng 5 tháng cuối năm tăng đột biến lên đến 86 ca. Trong đó, riêng tháng 10 có 31 ca, hơn 10 ngày đầu tháng 11 có 16 ca.
Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết đây là thời điểm "mùa dịch" SXH. Thời gian qua sở đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành đồng loạt các biện pháp để dập dịch, như: yêu cầu các địa phương thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi chủ động; hỗ trợ hóa chất và trang thiết bị để các địa phương thuận lợi triển khai kế hoạch; tăng cường các biện pháp truyền thông, vệ sinh môi trường đặc biệt tại các ổ dịch đã được xử lý, ngăn ngừa bùng phát dịch trở lại; tăng cường giám sát tại các điểm nóng, đang có số ca mắc SXH tăng cao…
Tại Quảng Bình, tính đến đầu tháng 11, toàn địa phương này có gần 8.000 trường hợp mắc bệnh, 3 trường hợp đã tử vong.
: Nhiều bệnh viện ở Quảng Bình đang bị quá tải bệnh nhân do "đại dịch" sốt xuất huyết - ảnh Hoàng Phúc
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại khoa Nhiễm của bệnh viện Đa khoa TP Đồng Hới, chỉ có 29 giường bệnh nhưng phải điều trị cho gần 200 trường hợp bị SXH, trong đó có 1/3 bệnh nhân có dấu hiệu thuyên giảm đã được các bác sĩ cho về nhà điều trị. Bác sĩ Võ Khắc Nhật, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Đa khoa TP Đồng Hới, cho biết bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú, gần như 100% bệnh nhân phải nằm ghép đôi. Bác sĩ Hồ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh, cho biết SXH trên địa bàn bùng phát vào tháng 8, mạnh nhất là trong tháng 10 và 11, với gần 300 bệnh nhân điều trị nội trú và đặt bệnh viện trong tình trạng quá tải mỗi ngày.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, tính đến đầu tháng 11, toàn tỉnh ghi nhận 78 ổ bệnh nhỏ do dịch SXH gây ra tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố với gần 8.000 trường hợp mắc bệnh, có 3 trường hợp đã tử vong. Các địa phương có số ca mắc SXH cao ở các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thị xã Ba Đồn.
: Nhiều bệnh viện ở Quảng Bình đang bị quá tải bệnh nhân do "đại dịch" sốt xuất huyết - ảnh Hoàng Phúc
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cho biết trước "đại dịch" SXH, Sở đã có văn bản báo cáo tình hình dịch lên cấp trên; đồng thời kiến nghị Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ máy phun và hóa chất phòng chống dịch SXH. Nói về giải pháp, ông Cường cho hay để hạn chế sự lây lan và phát sinh dịch bệnh SXH, các cơ sở y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời và phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Nghành y tế cũng cần tập trung đẩy mạnh công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời bảo đảm công tác vật tư, hóa chất, thuốc cho công tác phòng chống dịch tránh lây lan.
Bình luận (0)