Ngày 8-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (TT Kiểm soát bệnh) đã phát cảnh báo mới về dịch bệnh tay chân miệng (TCM) cũng như số người chết do dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đang tăng.
Không thể chủ quan
ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TT Kiểm soát bệnh, cho biết trong tháng 9, trên địa bàn có 6.573 ca mắc TCM, tăng gần gấp đôi so tháng 8; tổng số ca mắc trong 9 tháng là gần 15.000 ca, không có tử vong và 16% phải nhập viện điều trị.
Theo BS Dũng, tuy phần lớn số trường hợp mắc TCM đều ở thể nhẹ nhưng các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà cần cách ly trẻ đang bệnh ở nhà, đừng đưa đến lớp nhằm hạn chế lây lan cho trẻ khác. Đồng thời, quan tâm để sớm phát hiện các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Cũng theo BS Dũng, từ sau vụ dịch TCM năm 2011 và 2012, các hoạt động phòng chống bệnh này đã trở thành thường quy tại tất cả cơ sở y tế, cơ sở giáo dục mầm non và luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Sở Y tế TP. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường hoạt động phòng chống bệnh TCM, đồng thời ký kế hoạch liên tịch phối hợp với ngành giáo dục trong hoạt động phòng chống các bệnh SXH, TCM và sởi trong trường học. Song song đó là tổ chức hàng loạt lớp tập huấn về kiểm soát bệnh trong trường học. Hiện TT Kiểm soát bệnh cũng đã triển khai các đoàn giám sát, hỗ trợ các trung tâm y tế quận/huyện tổ chức các hoạt động phòng chống bệnh TCM trong cộng đồng và trường học.
Nhiều trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)
Hầu hết đến viện trễ
Về dịch SXH, nếu 8 tháng đầu năm chỉ có 7 người tử vong thì tháng 9 có 2 người tử vong. Hầu hết các trường hợp đều đến bệnh viện trễ và sau một thời gian tự mua thuốc điều trị tại nhà. Số mắc SXH trong tháng 9 là 8.128 ca, tương đương tháng 8.
BS Dũng cho hay trong tháng 9, dù trời mưa liên tục nhưng với sự đồng loạt ra quân cùng sự tích cực thông tin cảnh báo dịch bệnh đến người dân nên số ca bệnh SXH đã không tiếp tục tăng nhanh trong tháng 9 như xu hướng các năm trước. Nhưng để kiểm soát tình hình dịch SXH một cách bền vững thì cần có sự tham gia của mọi gia đình, ban - ngành, đoàn thể.
Trước tình hình dịch bệnh, Sở GD-ĐT TP đã có văn bản khẩn gửi các trường học về tăng cường phòng chống dịch bệnh TCM, SXH và vệ sinh môi trường.
Theo đó, lãnh đạo các nhà trường chủ động phối hợp các cơ sở y tế và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM tại trường học, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để khám, điều trị và xử lý kịp thời ổ dịch. Khi học sinh có biểu hiện sốt, nghi dịch bệnh, nhà trường đề nghị phụ huynh theo dõi và đưa đi bệnh viện thăm khám kịp thời, đồng thời cho học sinh nghỉ học để theo dõi, tránh lây cho bạn. Nhà trường nhập sổ theo dõi sức khỏe của học sinh, nắm rõ nguyên nhân nghỉ học do bệnh.
Tăng cường khử khuẩn trường lớp
Sở GD-ĐT TP HCM đề nghị lãnh đạo các trường học, đặc biệt các trường bị ngập nước do mưa lớn và triều cường, cần tăng cường vệ sinh trường, lớp; khử khuẩn, khử mùi bồn và các vật dụng chứa nước ăn uống và nước sinh hoạt. Kiểm tra, xử lý hệ thống xả thải từ cống rãnh, từ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh... nhằm phòng tránh các bệnh tả, lỵ, TCM, nhiễm giun sán, SXH...
Lưu ý nếu có trường hợp học sinh bị dịch bệnh, các đơn vị phải báo cáo ngay cho trung tâm y tế địa phương và phòng chính trị tư tưởng của sở.
Bình luận (0)