Đáng chú ý trong đó có nhiều trẻ em và cả trẻ dưới 1 tuổi.
Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 8-3. Tiếp đến, ngày 16-3, Trạm Y tế xã Trà Bùi phát hiện thêm 19 trường hợp mắc bệnh tại thôn Tang và đã báo cáo cho Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng. "Đến nay, có 19 bệnh nhân đã ổn định, 124 bệnh nhân còn điều trị. Tình hình bệnh ghẻ tại thôn Tang, xã Trà Bùi vẫn diễn biến phức tạp khiến người dân lo lắng" - ông Nam thông tin.
Ông Đinh Văn Đông, Trưởng Trạm Y tế xã Trà Bùi, cho biết thôn Tang là thôn hẻo lánh, đặc biệt khó khăn của huyện Trà Bồng, nằm cách Trạm Y tế xã khoảng 10 km, cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 35 km. Giao thông từ Trạm Y tế xã đến thôn rất khó khăn, phải đi bộ nhiều giờ. Trong thôn có 66 hộ, 282 nhân khẩu, trên 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác phòng chống dịch bệnh của người dân còn nhiều hạn chế.
"Cuộc sống người dân ở thôn Tang hiện nay còn khó khăn, điều kiện vệ sinh, ăn uống thiếu thốn nên khi có người mắc, bệnh lây lan rất nhanh. Trạm y tế xã đang tiếp tục giám sát và cấp thuốc cho các bệnh nhân ghẻ ở thôn Tang. Qua 5 đợt giám sát cho thấy tình hình bệnh ghẻ đã giảm khoảng 20% - 30%" - ông Đông cho biết.
Người dân ở thôn Tang đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế xã Trà Bùi. (Ảnh do Trung tâm Y tế xã Trà Bùi cung cấp)
Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ngãi, cho hay sau thời gian dài, khoảng 30-40 năm mới ghi nhận nhiều ca bệnh ghẻ như thế tại một thôn. Trước kia, nếu có chỉ xuất hiện vài ca rải rác. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ghẻ là bệnh lý có khả năng lây rất nhanh, dễ thành dịch trong cộng đồng.
CDC Quảng Ngãi chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng theo dõi chặt chẽ, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân, tăng cường công tác truyền thông cho người dân biết cách phòng tránh bệnh như vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với da hoặc tiếp xúc với đồ dùng của những người bị ghẻ.
"Bệnh ghẻ chủ yếu lây qua các dụng cụ sinh hoạt hoặc do tiếp xúc trực tiếp. Quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh phải được ngâm xà phòng đậm đặc, luộc nước sôi, phơi ngoài nắng cách xa với đồ dùng của những người xung quanh. Người bệnh cần được cách ly để tránh bệnh lây lan" - ông Nên nói.
Bác sĩ Hồ Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, khuyến cáo khi người dân có biểu hiện như ngứa dữ dội và tăng lên vào ban đêm; có thương tổn đỏ, bong vảy da, thỉnh thoảng có các nốt và sần đóng vảy gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân… thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)