Tại buổi làm việc, bác sĩ (BS) Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương mong muốn những đóng góp dự thảo luật khám chữa bệnh sẽ giúp ngành y tế hoạt động tốt hơn nhằm chăm sóc sức khỏe người dân toàn diện.
Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương phát biểu tại cuộc họp
Đề xuất, góp ý về luật khám chữa bệnh, BS Tuyết cho biết việc thẩm định quyền cấp và đình chỉ thu hồi giấy phép với cơ sở khám chữa bệnh hiện có xu hướng ai cấp người đó thu như sở cấp sở thu, bộ cấp bộ thu. Trong khi TP HCM có nhiều cơ sở y tế khám chữa bệnh, trong đó có những cơ sở do Bộ Y tế cấp mà bộ thì ở xa nên việc theo dõi, giám sát chưa sát sao. "Chuyện này chưa ngăn chặn được các cơ sở y tế đặc biệt là phòng khám Trung Quốc. Hiện họ còn đang lợi dụng gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản của nhân dân. Đây là vấn đề cần quan tâm nhiều hơn chứ chưa thể hiện được sự thuyết phục ngăn chặn đối với nhóm phòng khám này" – BS Tuyết bức xúc.
Đối với công tác đấu thầu, theo BS Tuyết, hiện nay, các bệnh viện đang tốn công sức về việc này quanh năm suốt tháng, thậm chí cả những vật dụng hành chính, quản trị cũng phải đấu thầu. "Nên chăng chúng ta bỏ đấu thầu? Hiện các nước châu Âu đã thực hiện con đường này tại sao chúng ta cứ phải đi vào con đường đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị. Trong khi đó nếu ngay từ đầu vào quản lý tốt. Ví dụ 1 thuốc đưa vào Việt Nam giá là như vậy thì từ Bắc vào Nam đều mua giá đó" – BS Tuyết dẫn chứng.
Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng tâm tư: "Đối với các bệnh viện chúng tôi được đào tạo là bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng,… chứ chúng tôi không được đào tạo về mặt kinh tế nhưng vì nhiệm vụ chúng tôi phải đi học. Thời gian qua, có những sai sót chúng ta mất người tài trong lĩnh vực y tế thì rất lãng phí. Chúng ta nên suy nghĩ điều này để có những đột phá, tiết kiệm thời gian tập trung chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân".
Về việc kê khai giá trang thiết bị hiện nay, BS Tuyết cho rằng chưa đủ. Ví dụ, máy siêu âm 2D có nhiều tính năng và sử dụng trong nhiều chuyên khoa như tim mạch, sản, ngoại tổng quát… khác nhau nhưng họ chưa kê khai đủ các model của máy. Như vậy áp giá đó để đấu thầu sẽ dẫn đến sai sót.
Đối với thẩm định giá, hiện có nhiều cơ sở đã đóng cửa vì nhiều vụ án xảy ra nên giờ tìm được cơ quan thẩm định giá rất khó. Nếu có thì 1 số cơ quan thẩm định giá cũng chưa đạt mức tin cậy. "Khi không đạt được mức tin cậy, thiếu tính khách quan thì đổ lỗi cho cơ sở y tế tại sao lại chọn cơ sở đó. Trong khi chúng ta không có giải pháp quản lý đơn vị thẩm định giá. Một khi đã cho anh làm công việc thẩm định giá về mặt xã hội thì phải chịu trách nhiệm chứ không phải quay ngược lại cơ sở y tế thắc mắc tại sao chọn cơ sở đó" – BS Tuyết trăn trở.
Về công tác tự chủ tài chính, BS Tuyết cho biết hiện trên địa bàn TP HCM có 90% bệnh viện tự chủ. Trước đây tự chủ tài chính có nhiều thuận lợi nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra chúng ta chưa tiên lượng được bất cập của tự chủ tài chính. Vì vậy, còn nhiều nội dung cần làm rõ nhằm nhanh chóng hỗ trợ các bệnh viện đặc biệt là bệnh viện đa khoa.
"Hiện nay, tự chủ tài chính mới chỉ nằm ở mức độ tự chủ tài chính chứ chưa tự chủ ở các mặt khác. Đối với công tác tổ chức sử dụng, tuyển dụng, đặc biệt cho nghỉ việc vô cùng khó khăn. Tuyển thì dễ cho nghỉ việc thì khó khăn. Vì trong quá trình làm có những đối tượng làm không năng suất, không có trách nhiệm nhưng cho nghỉ lại vô cùng khó khăn" – BS Tuyết trăn trở.
Bình luận (0)