Những ngày qua, các bác sĩ Khoa Ngoại gan - mật - tụy của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP HCM tranh thủ hoàn tất các công đoạn cuối cùng để bệnh nhân H.C.T (SN 1963, ngụ TP HCM) xuất viện về với gia đình sau hơn 1 tháng ghép gan.
Nguồn tạng từ chính gan của con trai
Đây là ca ghép gan thứ hai ở người lớn với tạng của người hiến còn sống được thực hiện tại BV này, đồng thời cũng là một trong những ca ghép gan trên người lớn đầu tiên được thực hiện ở phía Nam. Trong nỗi vui mừng của bệnh nhân, ít ai biết rằng có một sự hy sinh thầm lặng từ anh H. G.T - con trai của bệnh nhân, người đã dành 2/3 lá gan của mình để cứu bậc sinh thành.
Ông T. nhập viện trong tình trạng viêm gan siêu vi B và xơ gan giai đoạn cuối do sử dụng bia, rượu quá mức trong thời gian dài. Ca ghép được tiến hành với sự góp sức của các chuyên gia đến từ Hàn Quốc. Người cho gan, con trai ông, đã xuất viện sau hơn 1 tuần và nghỉ dưỡng theo chế độ đặc biệt của bác sĩ.
Tình trạng người mắc bệnh gan, xơ gan ngày càng tăng. Chỉ riêng tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, mỗi tháng đã tiếp nhận khoảng 800 bệnh nhân đến khám và điều trị viêm gan. TS-BS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết viêm gan siêu vi là một trong những hiểm họa sức khỏe trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
Món quà tái sinh
Theo các chuyên gia về gan - mật, nguyên nhân của bệnh gan mạn tính thường gặp là do nhiễm virus viêm gan B, C, viêm gan ứ mật nguyên phát, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, bệnh lý ứ sắt trong gan, bệnh lý hẹp đường mật. Lạm dụng bia, rượu trong thời gian dài cũng là tác nhân làm tổn hại gan. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng nhưng khi xuất hiện những dấu hiệu như bụng có nước, vàng da, vàng mắt... thì đã tiến triển vào giai đoạn nặng.
Các bệnh nhân bị ung thư, xơ gan khi không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc thì ghép gan là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, để có nguồn tạng phù hợp cho việc ghép nối là vấn đề trăn trở cho cả người bệnh và thầy thuốc.
PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Cường cho biết ghép gan là một trong những kỹ thuật khó. Hiện nay, nhu cầu cần ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung rất lớn. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000 trường hợp cần ghép gan. Song, nguồn tạng phù hợp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Theo BS Cường, cái khó ở đây là nguồn cho hiến tạng ở nước ta còn rất ít, ngay cả đối với các trường hợp chết não.
TS-BS-BS Phạm Hữu Thiện Chí, Trưởng Khoa Ngoại gan - mật - tụy BV Chợ Rẫy, cho biết nguồn tạng dù đã hiếm nhưng không phải ai cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ghép gan. Người cho gan, ngoài việc phải bảo đảm các chỉ số phù hợp thì cần phải vượt qua được rào cản tâm lý.
“Tuy thế, vấn đề hiện nay là sự đồng thuận của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, người chết não cho tạng có ý nghĩa lớn. Đó như là “món quà tái sinh” vì có thể cứu được nhiều người” - BS Chí nhìn nhận.
Nhiều triển vọng, lắm khó khăn Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh viêm gan B, C rất cao, khoảng 8%-15% dân số. 10% trong số đó diễn tiến sang xơ gan, thoái hóa chuyển thành ung thư gan. Ghép gan mở ra triển vọng mới cho bệnh nhân gan giai đoạn cuối. Chi phí mỗi ca ghép gan ở nước ta khoảng 1,5 tỉ đồng, thấp hơn so với các nước (chẳng hạn Singapore là gần 4 tỉ đồng). Tại các nước châu Âu, một mạng lưới điều phối nguồn tạng ghép đã hoạt động rất hiệu quả. Bộ Y tế đã quyết định thành lập trung tâm điều phối tạng ghép nhưng chưa có ban điều hành. Nếu mỗi BV chỉ sử dụng được một bộ phận cần ghép sẽ gây lãng phí. |
Bình luận (0)