Các dịch vụ mà chị em thường sử dụng để làm đẹp “cửa sổ tâm hồn” là nối mi, đeo kính áp tròng thời trang, thậm chí cắt mí mắt, hút mỡ bọng mắt... Thế nhưng, cách tân trang ấy đã khiến không ít người bị tổn thương mắt.
Viêm giác mạc vì kính áp tròng
Đã qua cái thời “đeo kính trông cho trí thức” hay đeo kính áp tròng trị tật khúc xạ. Gần đây, trong giới trẻ rộ lên mốt “trang trí” cho đôi mắt bằng các cặp kính tròng đủ màu sắc, hình dáng để làm tròng mắt trông to ra và long lanh hơn. Luôn mặc cảm với đôi mắt không được to và đen nên mỗi khi đến trường hay đi chơi, Hoàng Thúy Q., học sinh lớp 12 ở Hà Nội, đều “diện” cho đôi mắt của mình bằng cặp kính dãn tròng cỡ đại để làm to mắt.
Những ngày đầu tiên, đôi mắt long lanh của Q. khiến không ít bạn bè phải trầm trồ khen ngợi nhưng chỉ khoảng 1 tháng “tân trang” với kính áp tròng, mắt Q. bị đỏ, chảy nước liên tục và có dấu hiệu mờ dần. Kết quả khám mắt, bác sĩ kết luận Q. bị viêm giác mạc vì lạm dụng kính áp tròng.
Nối mi giúp chị em có hàng mi dài, cong vút nhưng có thể khiến đôi mắt bị tổn thương vì dị ứng với chất lạ
Đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Nguyễn Diệu T., 23 tuổi, ở Hà Nội che đôi mắt của mình dưới cặp kính đen vì mắt cay xè, đỏ quạch, nhức nhối… T. cho hay: “Một lần đi theo người bạn nối mi thấy chị chủ cửa hàng giới thiệu về cặp kính áp tròng giúp thay đổi màu mắt nên tôi mua dùng thử. Thấy đẹp mà giá rẻ, chỉ khoảng hơn 200.000 đồng nên “tậu” một lúc tới 4 cặp kính áp tròng, dãn tròng thời trang.
Dù đã thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng chỉ ngay sau khi “sung sướng” với đôi mắt đẹp, bỗng nhiên mắt ngứa ngáy khó chịu”. Tiếc đôi mắt “đẹp long lanh”, hàng mi dài cong vút ấn tượng, cô cố gắng chịu đựng nhưng sau một đêm tỉnh giấc, mắt bỗng sưng vù, ngứa ngáy nên đành phải cầu cứu bác sĩ.
Nhiều ẩn họa
Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), những trường hợp bị tai nạn sau khi làm đẹp cho mắt ngày càng nhiều, nhất là khi những dịch vụ làm dày mi, dài mi trở nên khá phổ biến, có thể làm ở bất kỳ đâu, thậm chí ở cả những cửa hàng cắt tóc, gội đầu. “Có thể trong những dịp đặc biệt, chị em nối mi cho đẹp cũng không gây ra vấn đề gì lớn cho mắt.
Tuy nhiên, vấn đề là keo dán lông mi đó có phải là keo sinh học hay không. Nếu đó là keo kém chất lượng sẽ gây tích tụ bụi bẩn, giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây kích ứng cho mắt. Trong khi đó, keo sinh học khá đắt nên với cái giá 200.000-300.000 đồng cho một lần nối mi khó có nơi nào dùng keo sinh học được khuyến cáo sử dụng trong y tế” - bác sĩ Cương hoài nghi.
Một lý do khác khiến giới chuyên môn lo ngại, đó là trong quá trình nối mi, các dụng cụ không bảo đảm vô trùng, có thể gây nhiễm độc nang lông, mất chất mỡ bóng của lông mi, gián đoạn tuần hoàn lông mi. Hậu quả là sẽ làm rụng lông mi nhất thời hoặc vĩnh viễn. “Không những thế, chị em có thể nhiễm thêm các bệnh thường có trên bờ mi như viêm bờ mi do cầu khuẩn, ký sinh trùng, tắc và loạn chức năng các tuyến đổ ra bờ mi” - bác sĩ Cương nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Cương, những tai biến do cặp kính áp tròng không phải hiếm gặp vì loại kính này ngày càng được nhiều người ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Giới chuyên môn cho rằng kể cả những trường hợp có vấn đề về tật khúc xạ được chỉ định đeo kính áp tròng cũng phải cẩn thận chứ chưa nói gì đến kính thời trang không được kiểm định về chất lượng.
“Do khí hậu nóng ẩm và môi trường quá nhiều khói bụi như ở Việt Nam nên không phải trường hợp bị tật khúc xạ nào cũng được chỉ định dùng kính áp tròng. Hơn nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây xước, trượt lòng đen gây đau đớn, viêm nhiễm. Nếu đeo kính áp tròng mà không giữ vệ sinh tốt, mắt rất dễ bị nhiễm khuẩn và có nguy cơ mắc các bệnh như khô mắt, đỏ mắt, loét giác mạc, thậm chí giảm thị lực, dẫn đến mù lòa” - bác sĩ Cương cảnh báo.
Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Trưởng Khoa Kết - Giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương, khuyến cáo bất kỳ kính áp tròng nào khi sử dụng đều phải tuân theo các quy chuẩn vệ sinh khi lắp kính, tháo kính, phải ngâm kính trong những dung dịch được nhà sản xuất quy định chứ không đơn thuần là rửa kính dưới vòi nước, sau đó lắp vào mắt. Theo bác sĩ Đông, nguồn gốc của các loại kính áp tròng thời trang đa số không rõ ràng, không ai bảo đảm chất lượng, cũng như không ai đền bù nếu có thiệt hại do kính gây ra nên phải hết sức cân nhắc khi sử dụng.
Không nên lạm dụng
Bác sĩ Phạm Ngọc Đông cho rằng các bác sĩ nhãn khoa không khuyến khích cách làm đẹp mắt như đeo kính áp tròng thời trang hay nối mi. Tuy nhiên, trong một lúc nào đó như các diễn viên cần hóa trang hoặc làm đẹp trong các dịp cần thiết, sử dụng khoảng một vài tiếng có thể không gây nguy hiểm nhưng cũng không nên lạm dụng. |
Bình luận (0)