Mới đây, người thân của một bệnh nhân nam (56 tuổi), đang cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), đã chủ động xin đưa ông về nhà lo hậu sự vì không còn hy vọng cứu sống. Bệnh nhân đã hôn mê sâu, tổn thương não quá nặng nề do ngộ độc methanol (còn gọi là cồn công nghiệp) trong rượu.
Bỗng dưng “lên cơn”
Sau cuộc rượu giữa đêm đầu tháng 8-2016, bệnh nhân nêu trên kêu đau đầu, nhìn mờ. Ngay lập tức, gia đình đưa ông vào cơ sở y tế địa phương cấp cứu rồi chuyển lên BV tuyến trên vào sáng hôm sau. Thế nhưng, khi đến nơi thì bệnh nhân đã hôn mê sâu, huyết áp tụt, não tổn thương nghiêm trọng...
Khi bị ngộ độc rượu, hàm lượng methanol trong máu ở mức 20 mg/dL đã là nặng. Tuy nhiên, không ít người có lượng chất này lên đến gấp 10 lần.
Hiện nay, bên cạnh tình trạng tử vong do ngộ độc rượu đã xuất hiện rất nhiều trường hợp “tàn phế” tâm thần trong cộng đồng. Tại BV Tâm thần
TP HCM, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị “biến chất” sau thời gian dài làm “đệ tử lưu linh”. Giữa hai phần trong con người thì phần “người” gần như đã mất.
Gần đây nhất là trường hợp của một bệnh nhân nam 44 tuổi, ngụ Đồng Nai bỗng dưng “lên cơn” đánh đập vợ con tàn nhẫn. Người vợ kể rằng ông chồng trước đây vốn hiền lành, rất yêu bà và chưa hề nói nặng với vợ lời nào. Tuy nhiên, gần đây, ông bỗng nhiên có những suy nghĩ, hành động khác thường. Ông tỏ ra ghen tuông quá đáng, hay kể lể những chuyện mơ hồ rồi rượt vợ, đánh con. Các bác sĩ xác định nguyên nhân là do nghiện rượu lâu năm và bị loạn thần khiến bệnh nhân này bị hoang tưởng.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, những trường hợp như thế là do tâm thần phân liệt, dẫn đến hoang tưởng, lơ mơ, không kiểm soát được hành vi của mình. Đặc biệt, những người lệ thuộc bia rượu (dù là giới trí thức hay có địa vị xã hội) sẽ dần thay đổi tính tình, mất dần các thói quen tốt, trở nên ích kỷ, nhỏ nhen, thiếu trách nhiệm với gia đình; cảm xúc đang hưng phấn trở nên giận dữ, muốn gây hấn với người khác, kể cả bạn thân mà chính họ cũng không hiểu tại sao mình lại hành động như vậy.
30 loại bệnh do dùng rượu bia
Chỉ riêng tại BV Tâm thần TP HCM, các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu bia chiếm 2% số bệnh nhân ngoại trú và 10% bệnh nhân nội trú. Trong 6 tháng đầu năm nay, BV này đã điều trị nội trú cho 222 bệnh nhân nam và 22 bệnh nhân nữ bị loạn thần do rượu bia.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng Khoa T3 BV Tâm thần TP HCM, điều tra dịch tễ học cho thấy có đến 50% người trưởng thành sử dụng rượu bia và hơn 70% là đàn ông. Các biểu hiện thường gặp trên bệnh nhân là rối loạn khí sắc, trầm cảm, lo âu, có hành vi toan tự sát...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó 20% do chấn thương, tai nạn giao thông; 50% do xơ gan; 30% do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh. Có khoảng 30 loại bệnh do sử dụng rượu bia.
Tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam càng đáng báo động. Nghiên cứu cấp quốc gia ở Việt Nam của nhóm chuyên gia Nguyễn Thạc Minh (Trường Đại học IIIinois - Mỹ), Phạm Thị Hoàng Anh và Lê Thị Thu (Quỹ HealthBirdge Canada tại Việt Nam) về sử dụng rượu bia trên 9.400 gia đình cho thấy hơn 57% gia đình dùng rượu bia thường xuyên. Những gia đình giàu có, trình độ học vấn cao càng uống nhiều rượu bia hơn và ngược với các nước phát triển. Nghiên cứu này cũng chỉ ra lạm dụng rượu bia ngày tăng trong giới thanh thiếu niên với gần 80% ở nam và 37% ở nữ (độ tuổi 14-25), nhóm 14-17 tuổi là gần 48% và nhóm 18-21 tuổi là 67%.
Theo PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP HCM, khác với trước đây, tỉ lệ nữ giới uống rượu bia hiện nay tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Một nghiên cứu trên 2.000 người dân từ 25-64 tuổi do trường này thực hiện cũng cho thấy có 80% nam giới và 22% phụ nữ ở TP HCM uống rượu bia; trong đó 13% nam giới uống mỗi ngày và ở nữ là 1%.
Chính sách kiểm soát quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ rượu bia là một trong số các biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng nhiều địa phương còn cấp giấy phép kinh doanh rượu sai luật.
Bình luận (0)