Bác sĩ Võ Triệu Đạt, quyền Trưởng khoa Sản Bệnh viện FV, cho biết vừa qua ê-kíp trong khoa đã hỗ trợ sinh thường thành công cho sản phụ hai lần sinh mổ. Được biết, thai phụ này lần đầu sinh mổ, lần kế tiếp cũng được bác sĩ chỉ định mổ nhưng đến lần thứ 3, qua thăm khám và theo dõi sức khoẻ, bác sĩ Đạt và cộng sự nhận thấy sản phụ đảm bảo để sinh thường nên khuyến khích sản phụ sinh thường.
Chị K.H kể, ban đầu khi được bác sĩ tư vấn về phương pháp sinh tự nhiên, chị hơi lo lắng nhưng chị tin tưởng bác sĩ và lựa chọn thử sức để sinh thường vì chị muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con.
Các sản phụ được khuyến khích sinh thường. Ảnh: Bệnh viện FV
Bác sĩ Võ Triệu Đạt lý giải về việc khuyến khích bệnh nhân sinh thường vì sinh thường sẽ tốt cho cả sản phụ và bé, dù trải qua 2 lần sinh mổ nhưng lần này sức khoẻ của sản phụ đảm bảo để sinh thường. Phương pháp này giúp mẹ phục hồi sau sinh nhanh hơn; thời gian nằm viện ngắn, bớt được các biến chứng phẫu thuật như nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng hậu phẫu, có được nhiều thời gian chăm sóc con và đặc biệt giảm các biến chứng cho những lần mang thai sau như tình trạng thai bám vết mổ cũ, vỡ tử cung…
Đối với bé, việc sinh thường giúp bé có thể phát triển toàn diện. Việc bé di chuyển qua ống sinh dục của người mẹ khi sanh ngả âm đạo sẽ giúp hấp thu và làm sạch dịch ở phổi và phế nang, giúp bé không bị các triệu chứng suy hô hấp, và phổi bé hoạt động tốt hơn.
Theo bác sĩ Ngô Trung Nam, Khoa Sản Bệnh viện FV, các sản phụ hoàn toàn có thể sinh thường thành công dù trước đó đã sinh mổ. Việc sinh thường sau 2 lần sinh mổ sẽ có nguy cơ vỡ tử cung, nguy cơ này cũng tăng hơn theo số lần mổ sanh trước đó, tỉ lệ này thấp hơn 1,6%.
"Tuy nhiên, khi nói về sanh ngả âm đạo sau mổ sanh lần trước, chúng ta thường nhắc tới biến chứng của việc thử thách này mà ít đề cập đến các biến chứng của phẫu thuật mổ lại. Nếu sản phụ có đủ tiêu chuẩn, không có chống chỉ định thì đây là cơ hội để cả mẹ và bé đều khoẻ" - bác sĩ Nam nói.
Bác sĩ Nam cho hay 80% phụ nữ đã trải qua lần sinh mổ trước vẫn có thể sinh thường thành công. Thời gian giữa sinh mổ và sinh thường không cố định, nó phụ thuộc vào sản phụ có rơi vào các trường hợp chống chỉ định sinh thường hay không, nên phải thăm khám rất kỹ để nắm rõ các tình trạng của thai phụ trước khi chỉ định sinh theo phương pháp nào.
Theo thống kê của Unicef, tỉ lệ sinh mổ năm 2020 - 2021 chiếm tới 34,4% tổng số các ca sinh tại Việt Nam. Nhưng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ mổ lấy thai chỉ nên giới hạn dưới mức 15% và nếu không vì lý do y khoa thì không nên mổ lấy thai trước 39 tuần để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Bình luận (0)