để chở thai phụ đi sinh tại các địa phương khác
Nhìn khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc bên con gái vừa mới chào đời, khó hình dung chị Lương Thị Tại (TP Quảng Ngãi) vừa trải qua những phút giây hãi hùng. Vỡ ối lúc 5 giờ, chị liên hệ các loại xe dịch vụ để ra Đà Nẵng sinh nhưng tìm mãi không ra. Cực chẳng đã chị đành ra cầu Trà Khúc, nơi xe dù chuyên lượn lờ bắt khách, phó mặc số phận hai mẹ con cho tài xế.
Chị cho biết: Bụng đã đau mà đoạn đường lại xa, xe thì lúc chạy ào ào với hàng loạt pha lạng lách đánh võng, lúc lại dừng đột ngột đón khách, chờ qua cầu tạm, lòng chị như lửa đốt. Mỗi lần xe xóc qua “ổ gà, ổ voi” càng khiến chị đau đớn. Chị kể: “Lúc đó thấy rõ đứa bé trong bụng lại “tụt xuống” chút nữa. Tôi ôm bụng như muốn kéo con lại nhưng không thể, chỉ biết cầu trời khấn Phật đừng đẻ rơi giữa đường”.
Đến gần 11 giờ, chị mới đến cổng bệnh viện ở Đà Nẵng, nước ối đã xuất gần hết, nếu chậm một chút là nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con. Bác sĩ Hạnh, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà Nẵng, kể: “Chưa vào tới cổng, bệnh nhân đã kêu la ầm ĩ, nhân viên, hộ lý đưa đi làm thủ tục xét nghiệm để sinh thường, nhưng chị nhất quyết đòi sinh mổ để lấy đứa bé ra cho nhanh, kíp đỡ đẻ cũng rối theo”.
Nhiều sản phụ khác chọn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam gần tỉnh nhà để dễ xoay xở. Đã tính toán từ trước, chị Phạm Thị Nương (huyện Bình Sơn) và chị Nguyễn Thị Quyên (TP Quảng Ngãi) nhập viện trước khi sinh vài ngày. Theo các sản phụ này, cực chẳng đã mới đi đẻ xứ người chứ ở Quảng Ngãi, bệnh viện đa khoa tỉnh ngay cạnh nhà, đỡ chi phí, chẳng phải di chuyển đường xa.
Né bệnh viện nhà
Những tháng gần đây, mỗi chiều đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi sẽ thấy cả dàn xe đủ loại từ 4-17 chỗ đậu chật kín trong khuôn viên và trước cổng bệnh viện. Một tài xế lái xe cấp cứu tên H. cho biết: “Đó là cao điểm trong ngày của các bệnh nhân chuyển viện. Riêng đội tôi có sáu xe thường xuyên túc trực, sẵn sàng chạy khi có yêu cầu từ bệnh nhân”. Hỏi anh đã chở bao nhiêu ca đi Đà Nẵng đẻ, anh nhíu mày lắc đầu: “Không đếm hết, nhưng khoảng ba ca đã đẻ ngay trên xe”.
Theo anh H, xe dịch vụ chở thai phụ ra Đà Nẵng đẻ cấp cứu thường 1,5 triệu đồng/chuyến/một chiều (có bác sĩ, hộ lý đi kèm); taxi, xe dù từ 800.000 đồng trở lên. Muốn được nhận bảo hiểm, chuyển viện phải có xác nhận của lãnh đạo bệnh viện. Nhưng có thai phụ sau khi khám xong tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đùng đùng đòi đi Đà Nẵng mặc dù không có giấy chuyển viện.
Tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, thời gian gần đây chỉ còn sản phụ người đồng bào các huyện miền núi. Theo một cán bộ của khoa này thì 10 thai phụ khi vào khám có 6-7 ca xin chuyển viện hoặc bỏ viện để đi sinh nơi khác, phần nhiều ra các bệnh viện công và tư ở Đà Nẵng.
Theo cánh lái xe, ngày cao điểm một xe phải chở đến ba ca đi về Quảng Ngãi - Đà Nẵng như con thoi. Bác sĩ Lê Viết Nho, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho biết sáu tháng đầu năm 2012 có trên 40% sản phụ là người Quảng Ngãi nhập viện sinh con. Trong khi đó, tại Trung tâm Phụ sản nhi Đà Nẵng, một ngày bình thường các bác sĩ, hộ lý ở đây đã lần lượt tiếp 17 thai phụ của Quảng Ngãi ra sinh.
“Cải tổ” khoa sản
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mến, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, nói: “Để lấy lại lòng tin người bệnh, bệnh viện đã có kế hoạch tăng giường bệnh, ưu tiên sử dụng giường cho bệnh nhân, chống quá tải. Bố trí lại ca trực, tăng thiết bị, kể cả máy siêu âm bốn chiều, chuẩn hóa lại các quy trình bệnh viện, quy trình khoa sản. Hiện đã bố trí một số bác sĩ đi học để nắm bắt, triển khai các dịch vụ kỹ thuật sản khoa. Vì vậy, số lượng thai phụ đến khoa sản đã được cải thiện. Nếu trước đây khoảng 100 thai phụ/ ngày thì nay đã tăng lên 130 thai phụ/ngày”.
Đối với đội ngũ bác sĩ, nhân viên, bệnh viện đã tổ chức huấn luyện lại y đức cũng như chuyên môn. Thời gian qua đã có hai bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ ra hỗ trợ về chuyên môn một tháng. Đồng thời, bệnh viện cử bác sĩ, nhân viên đi học thêm trực tiếp tại Bệnh viện Từ Dũ. Ngoài ra, còn cho đội ngũ nữ hộ sinh học tập để chuẩn lại thái độ tiếp xúc, phục vụ, giảm thiểu phiền hà đối với bệnh nhân. Ban giám đốc bệnh viện cử một lãnh đạo thường xuyên theo dõi khoa, có vấn đề gì nảy sinh sẽ họp trực tiếp với giám đốc bệnh viện để giải quyết.
Ông Mến cũng cho hay hiện sở Y tế đã áp dụng quy tắc ứng xử trong chuyên môn. Qua đó thường xuyên nhắc nhở các y bác sĩ trau dồi ứng xử văn hóa với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nếu phát hiện ai vi phạm sẽ xử lý, kỷ luật nặng hơn. Theo kế hoạch, khoảng hai tuần nữa quy trình sắp xếp nhân sự và mua sắm các thiết bị hiện đại, quy trình “cải tổ” khoa sản sẽ hoàn thành.
Sẽ xây bệnh viện chuyên sản nhi Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã chỉ đạo ngành y tế lập dự án xây dựng bệnh viện chuyên khoa sản nhi quy mô 250 giường bệnh. Tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách khoảng 200 tỉ đồng để xây dựng, dự kiến thực hiện từ năm 2013-2015. Theo ông Khoa, muốn đảm bảo y đức phải tăng cường công tác quản lý quy trình khám và điều trị bệnh nhân. Trước tiên phải rà soát toàn bộ quy trình trước đây để bổ sung, điều chỉnh. “Không thể làm công tác chính trị tư tưởng chung chung được, phải tiến hành toàn diện. Quản lý chặt chẽ cũng là cách để giáo dục về ý thức trách nhiệm. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi tăng cường trang thiết bị hiện đại. Nếu trang thiết bị yếu, không thể đào tạo ra được đội ngũ bác sĩ giỏi, không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân” - ông Khoa nói. |
Bình luận (0)