Những ngày giãn cách, hay tin ông cụ hàng xóm thường hay đùa vui với cháu qua đời vì Covid-19, cháu bắt đầu rơi vào khủng hoảng, sợ ông bà nội, ngoại, ba mẹ rời xa mình; sợ mình bệnh.
Cháu cũng bỗng nhiên sợ bóng tối, đêm ngủ không được, thường hay khóc… Bạn tôi rất lo lắng, không biết phải làm thế nào để con vui vẻ, hồn nhiên trở lại. Xin chuyên gia tư vấn giúp ạ.
TS Lê Minh Công (Chương trình Vắc-xin tinh thần thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) trả lời: Những biểu hiện hành vi cảm xúc như bạn mô tả chứng tỏ cháu bé đang phải trải qua một sang chấn tâm lý trầm trọng. Tuy nhiên, những biểu hiện này chưa chắc đã là một rối loạn tâm thần nên bạn cũng không nên quá lo lắng. Việc đầu tiên, bạn hãy trao đổi với gia đình người bạn cần kết nối với một nhà tâm lý lâm sàng (có thể qua chương trình "Vắc-xin tinh thần") để đánh giá chính xác những khủng hoảng và lo âu mà trẻ đang trải qua để có thể có chiến lược hỗ trợ phù hợp nhất.
Cha mẹ hãy dành thời gian để quan sát cũng như chơi với con nhiều hơn thông qua các trò chơi đóng vai hoặc tranh vẽ, kể chuyện để trẻ có thể phóng chiếu những lo âu thông qua nghệ thuật. Cha mẹ cũng nên nói chuyện với con về sự qua đời của người hàng xóm với ngôn ngữ đơn giản và sắc thái tươi vui hơn, cho trẻ thấy được virus corona chủng mới thực sự không đáng sợ nếu chúng ta là anh hùng và chiến thắng chúng bằng những cách thức mà ngành y tế khuyến cáo. Điều quan trọng, gia đình chúng ta là những anh hùng!
Nếu trẻ gia tăng cảm xúc tiêu cực có thể hướng dẫn trẻ nói ra những lo âu, sợ hãi của mình, đồng thời hướng dẫn trẻ bộc lộ những cảm xúc ấy thông qua nhìn nhận và công nhận chúng cũng như chuyển cảm xúc tiêu cực ấy thông qua cách thức như hít thở và quan sát hơi thở của mình. Hãy đồng hành với trẻ thông qua những cái ôm và buổi tối có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện vui vẻ, nhiều mơ ước trước khi đi ngủ.
Bình luận (0)