“Mấy bữa nay trời trở gió, nó ngồi thở đứt quãng, thấy mà đứt cả ruột. Đã gần chục năm nay rồi chú ơi, đi khắp nơi từ miền Trung vào Nam cũng không nơi nào đưa ra quyết định mổ cho cháu. Đã từng có bác sĩ cho rằng cháu sẽ không sống quá 5 tuổi. Vậy mà nhờ trời, cháu đã lớn tới từng này” - chị T.T.T (ở Phú Yên) bùi ngùi nói về con gái đầu lòng mắc bệnh tim bẩm sinh của mình, nay đã học đến lớp 5, vừa được đưa vào TPHCM để tái khám.
Một trẻ mắc bệnh tim đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM)
PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TPHCM, cho biết mỗi năm cả nước có khoảng 8.000-10.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh (tỉ lệ 8/1.000 trẻ sinh sống), 80% là bị thông liên thất, tiếp đến là thông liên nhĩ… Trong đó 1/2 trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh nặng cần phải can thiệp ngay.
Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TPHCM), hiện có khoảng 2.000 bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh chờ đến lượt mổ. Tại BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), theo TS-BS Hà Mạnh Tuấn, giám đốc BV, ngoài khả năng thông tim can thiệp từ 6-8 ca/tuần thì số trẻ được mổ tim hở bình quân cũng chỉ từ 2-3 ca/tuần. Còn ở Viện Tim TPHCM hiện còn khoảng 2.000 bệnh nhi chờ đợi để được mổ tim. Con số này tuy thấp hơn so với trước (thường có 6.000-7.000 ca chờ mổ mỗi năm) nhờ gần đây có thêm nhiều BV thực hiện được kỹ thuật mổ tim nhưng số bệnh nhi chờ được mổ vẫn còn rất cao.
Đi nước ngoài để cứu con
Theo PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch TPHCM, dù có thêm nhiều cơ sở y tế thực hiện được kỹ thuật mổ tim nhưng công suất phẫu thuật vẫn còn rất hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại Viện Tim TPHCM - nơi mổ tim nhiều nhất khu vực phía Nam - cũng chỉ có thể phẫu thuật được cho khoảng 1.300 trẻ/năm. Dự kiến, sau khi sửa chữa nâng cấp, có thêm 3 phòng mổ, 2 phòng thông tim, đơn vị này sẽ tăng số trẻ bệnh tim được phẫu thuật lên 1.600 ca/năm, song cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.
Trước thực trạng này, nhiều gia đình không còn giải pháp nào khác là đưa con sang nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… để phẫu thuật dù phải vay mượn và chi phí ở nước ngoài cao gấp từ 20 lần trở lên so với trong nước (chi phí mổ tim ở nước ngoài khoảng 700 - 800 triệu đồng/ca, trong khi đó tại Việt Nam, trẻ dưới 6 tuổi phẫu thuật được miễn phí hoặc chỉ mất 35-40 triệu đồng/ca).
TS-BS Đỗ Nguyên Tín, giảng viên Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng kỹ thuật phẫu thuật tim hay thông liên thất, thông liên nhĩ ở nước ta hiện nay đã tiến bộ vượt bậc, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về kỹ thuật thông liên thất theo tiêu chuẩn thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao hàng ngàn trẻ em mắc tim bẩm sinh phải chờ mổ hoặc đổ ra nước ngoài điều trị?
Theo các chuyên gia y tế, chi phí mổ tim cho trẻ hiện nay không còn là rào cản vì phần lớn trẻ nhập viện dưới 1 tuổi nên được BHYT thanh toán hoặc được các nhà hảo tâm giúp đỡ. Vấn đề ở chỗ là ngành y tế thiếu nhân lực, vật lực. Hiện cả nước có hơn 20 trung tâm phẫu thuật tim mạch nhưng khả năng giải quyết chỉ có 5.000 ca/năm. “Để trẻ mắc bệnh tim không phải chờ mổ quá lâu là mong ước, trăn trở của người làm chuyên môn chúng tôi” - PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc băn khoăn.
Trẻ được mổ tim miễn phí Theo Hội Tim mạch TPHCM, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh dưới 6 tuổi được miễn phí gần như toàn bộ khi chữa trị, phẫu thuật, gia đình chỉ tốn một ít chi phí. Tại BV Nhi Đồng 1, với ca mổ 35-40 triệu đồng, gia đình chỉ đóng vài trăm ngàn đồng; với ca mổ 50-70 triệu đồng, chỉ đóng khoảng 1 triệu đồng. Hiện cả nước có nhiều cơ sở y tế thực hiện được kỹ thuật mổ tim. Ở khu vực phía Nam có Viện Tim, BV Tim Tâm Đức, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2. Ở miền Trung có Trung tâm Tim mạch Huế, Đà Nẵng. Ở Hà Nội có BV Tim Hà Nội, BV Việt Đức và BV Nhi Trung ương. |
Bình luận (0)