Căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể nói là một "sát thủ thầm lặng" vì gây ra những cái chết âm thầm, tấn công cộng đồng mà người dân ít để ý. COPD đang chiếm vị trí thứ 3 trong các bệnh lý gây tử vong hàng đầu, chỉ sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
Cứ 10 giây có 1 người chết
Ước tính toàn cầu có khoảng 384 triệu người mắc COPD, cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD. Còn tại Việt Nam, Hội Hô hấp Việt Nam cho hay bệnh COPD gây ra hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông, đáng lo ngại là con số này vẫn đang gia tăng. Theo Hội Hô hấp châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ COPD ở người trên 35 tuổi ở cả hai giới tại Việt Nam là 6,7%, cao nhất khu vực.
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM, cho biết hiện nước ta có đến 4,2% người dân từ 40 tuổi trở lên mắc COPD. Trong số những bệnh nhân mắc COPD có đến 19,5% bệnh nhân ở mức độ nặng và rất nặng. Người dân không biết mình chết vì căn bệnh COPD để có thể phòng ngừa một cách có hiệu quả.
Ông C.X.L (81 tuổi, ngụ TP HCM) bị bệnh COPD, 10 năm nay phải thường xuyên đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ
Theo các chuyên gia, trong khi bệnh COPD đang trở thành gánh nặng về kinh tế, xã hội toàn cầu với tỉ lệ mắc bệnh, tử vong ngày càng tăng thì những nguyên nhân tác động đang bị xem nhẹ, thậm chí "thả nổi".
COPD là một căn bệnh mạn tính, nên gánh nặng kinh tế đối với người bệnh và gia đình vô cùng to lớn. Khoảng 50% bệnh nhân không tuân thủ điều trị vì không có khả năng chi trả (28,3%), thuốc không được BHYT chi trả (19,9%), đặc biệt là khi điều trị không hiệu quả.
Hiểm họa môi trường
Phân tích những tác nhân gây ra bệnh này, PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết nguyên nhân chính khiến người dân mắc COPD là do sống trong môi trường ô nhiễm không khí, hút thuốc lá chủ động và thụ động. Ngoài ra, những người có tiền căn lao, sống hay làm việc trong môi trường ô nhiễm, phổi không phát triển đúng mức, bị hen suyễn kéo dài, ảnh hưởng do sử dụng chất đốt sinh khối… là những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc COPD.
Theo BS Vũ Trần Thiên Quân, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, phương pháp chẩn đoán vàng cho COPD là hô hấp ký có test giãn phế quản để xác định bệnh nhân có bị tắc nghẽn đường dẫn khí cố định hay không. Nếu bệnh nhân lớn tuổi, yếu sức thì một phương pháp rất mới là dao động xung ký cũng có thể xác định tình trạng tắc nghẽn này.
Các chuyên gia hô hấp cho biết điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với căn bệnh COPD là tình trạng xảy ra các đợt bệnh cấp tính khiến chi phí điều trị rất tốn kém nhưng nhiều khi hiệu quả không đáp ứng, dẫn đến tử vong. Chi phí thuốc men, nằm viện, một đợt cấp nặng của COPD có thể tốn cả trăm triệu đồng. Đó là chưa kể đến các tổn thất khác do người nhà phải nghỉ việc để nuôi bệnh, stress cho cả gia đình lẫn nhân viên y tế.
Điều đáng chú ý là thuốc hô hấp không có đủ trong danh mục BHYT. Năm 2018, Bộ Y tế đã phải phát hành quyển hướng dẫn điều trị COPD, cập nhật các loại thuốc mới nhất và cho phép các cơ sở y tế, kể cả bệnh viện quận huyện điều trị COPD nếu đủ điều kiện.
Các chuyên gia hô hấp khuyến cáo để phòng ngừa COPD nên hạn chế các hoạt động ngoài trời tại các khu vực bị đánh giá ô nhiễm cao; sử dụng mặt nạ chuyên dụng ngăn ngừa bụi (nếu phải đi ra ngoài, hay vào khu vực ô nhiễm); cai nghiện thuốc lá.
Về chế độ dinh dưỡng, cần uống nhiều nước và ăn các loại rau xanh hay trái cây giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, quýt…); dùng thêm sữa, tập thể dục, phơi nắng sáng (8-9 giờ); bổ sung kẽm, omega 3 là những chất bảo vệ đường thở hữu hiệu.
Một số biện pháp hỗ trợ khác như chích ngừa cúm và viêm phổi mỗi năm một lần; mua cây trồng trong nhà như lưỡi hổ, nha đam, trầu bà giúp thanh lọc không khí; đi gặp bác sĩ ngay khi cảm thấy khó thở, đau ngực hay khó chịu ở mắt.
"Người dân nên bỏ thói quen đốt rác, lá cây, gỗ, các sản phẩm nông nghiệp… vì những tác nhân này là nguy cơ cao cho bệnh COPD" - PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo.
Báo động bệnh bụi phổi
Ngoài "sát thủ thầm lặng" COPD, một nghiên cứu mới đây đã gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe người lao động (NLĐ) liên quan đến tổn thương phổi. Theo 2 tác giả Trình Công Tuấn, Nguyễn Đức Trọng (Trung tâm Y tế Dự phòng Bình Định), qua khảo sát trên gần 250 NLĐ tại 2 cơ sở sản xuất đá xây dựng, gạch men trên địa bàn Bình Định (chủ yếu tuổi từ 41-50, 64% là nam, 44,5% người có tuổi nghề từ 11-20 năm), kết quả cho thấy 44,5% NLĐ bị mắc bệnh bụi phổi silic, nam mắc nhiều hơn nữ và tuổi nghề càng cao thì tỉ lệ mắc càng cao.
Hàm lượng silic tự do trong môi trường lao động dao động từ 24,1% - 33,9%. Nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp ở hầu hết các điểm đo đều vượt tiêu chuẩn cho phép… Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 NLĐ làm việc thường xuyên tiếp xúc với bụi silic tự do.
Bình luận (0)