Bạn đọc xin được giấu tên (nữ, 55 tuổi, quận 5, TP HCM), hỏi: Đợt chồng tôi bị "thượng mã phong" 1 năm trước tôi đã lập tức sơ cứu ấn tim thổi ngạt CPR và gọi cấp cứu, nên anh qua khỏi dù bác sĩ bảo cơn đau tim khá nặng. Từ đó đến nay, anh rất cố gắng tập luyện nên sức khỏe tạm ổn, có thể tập thể thao nhẹ. Tuy nhiên về đòi hỏi quan hệ vợ chồng của anh thì tôi chưa dám đồng ý. Xin bác sĩ cho tôi hỏi làm sao để biết việc quan hệ vợ chồng đã an toàn? Tôi nên làm những gì để ngừa cơn "thượng mã phong" xảy ra lần nữa?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Đã bị "thượng mã phong" một lần chứng tỏ nguy cơ bệnh lý tim mạch rất cao. Ngoài tập thể dục, anh cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để khám và đánh giá lại.
Chính bác sĩ sẽ là người hướng dẫn anh chị cách quan hệ vợ chồng an toàn theo mô hành KiTOMI (nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch Canada), dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể, chồng chị sẽ được xếp vào 1 trong 3 nhóm sau:
- Nhóm 1 – nguy cơ cao: bao gồm những người có bệnh lý tim mạch không ổn định, bị suy tim mức độ NYHA III trở lên với những biểu hiện khó thở, đau ngực dù không gắng sức hoặc gắng sức nhẹ. Người bệnh thuộc nhóm này có thể áp dụng đến mức độ KiT, tức sinh hoạt tình dục chỉ gồm việc hôn (Ki - Kissing) và vuốt ve (T - Touching).
- Nhóm 2 – nguy cơ trung bình: gồm những người bị bệnh tim mức độ NYHA II, có những triệu chứng đau ngực, khó thở khi có những hoạt động gắng sức vừa phải như đi lên một, hai tầng lầu. Người bệnh thuộc nhóm này nên áp dụng KiTOM, nghĩa là được phép thực hiện các hoạt động ở mức KiT cộng thêm quan hệ bằng miệng (O – Oral sex), thủ dâm (M - Masturbation).
- Nhóm 3 - nguy cơ thấp: gồm những bệnh nhân suy tim mức độ NYHA I, có những cơn đau ngực ổn định hoặc khi gắng sức nhiều, người bệnh cao huyết áp nhưng đã được kiểm soát. Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ thấp có thể thực hiện KiTOMI đầy đủ, bao gồm cả việc giao hợp (I - Intercourse).
Việc chị lập tức gọi cấp cứu, thực hiện ngay CPR (cardiopulmonary resuscitation – hồi sức tim phổi) để không bỏ lỡ "thời gian vàng" trong khi chờ xe cấp cứu là cách xử lý rất đúng khi "thượng mã phong" xảy ra. Điều này đã góp phần rất lớn giúp anh qua khỏi cơn đau tim.
Trang bị kiến thức sơ cấp cứu cần thiết như chị đã làm, tuân thủ yêu cầu của bác sĩ tim mạch, bao gồm chế độ thuốc men, dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện, quan hệ tình dục… là tất cả những gì cần để phòng ngừa cơn "thượng mã phong" lặp lại.
Bình luận (0)