Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp bị sốc phản vệ nặng vào cấp cứu.
Trong đó, nam bệnh nhân 48 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mắt phù, ngứa ngáy toàn thân. Trước nhập viện khoảng 1 tiếng, người bệnh có ăn phở vào bữa sáng.
Điều trị bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do thức ăn, trên nền đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp 16 năm. Được cấp cứu, điều trị kịp thời, người bệnh đã sớm ổn định trở lại.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 84 tuổi, được chẩn đoán phản vệ độ 3 nghi do thuốc kháng sinh trên nền đái tháo đường tuýp 2/tăng huyết áp, đồng thời mắc sốt xuất huyết.
Năm ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện sốt cao đi khám được chẩn đoán theo dõi sốt virus, được điều trị bù dịch, hạ sốt đỡ ít. Hai ngày sau, bệnh nhân tiếp tục phát hiện mắc đoán sốt xuất huyết Dengue, được kê thêm kháng sinh đường uống.
Bệnh nhân sau uống 1 viên kháng sinh xuất hiện ngứa, đỏ da vùng bụng tăng dần. Người bệnh đã đến phòng khám tư, được bù dịch, hạ sốt, dừng uống kháng sinh nhưng triệu chứng không giảm. Sau đó, bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, kèm đỏ da và ngứa vùng bụng, cẳng tay hai bên nhiều hơn nên đã được người nhà đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên lạ như thức ăn, thuốc và các yếu tố khác.
Phản vệ có thể gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Để phòng ngừa phản vệ, người dân cần xác định các dị ứng có thể mắc phải bằng cách đi kiểm tra tại cơ sở y tế, tránh các tác nhân gây dị ứng. Nếu có tiền sử dị ứng nghiêm trọng hay đã từng bị sốc phản vệ trong quá khứ, phải ngăn ngừa các đợt tái phát trong tương lai.
Bình luận (0)