Thời gian gần đây, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều trường hợp điều trị, cấp cứu trong tình trạng tai chảy mủ, dịch, máu, bít tắc ống tai hoặc các bệnh như viêm, nấm… mà nguyên nhân là do lấy ráy tai.
Coi chừng thủng màng nhĩ!
Mới đây, bệnh nhân T.T.V (36 tuổi, ở TP Hà Nội) đã nhập viện sau nhiều ngày ù tai, chảy mủ. Theo V., trước đó, chị thường có thói quen lấy ráy tai bằng bông hoặc que. Thấy tai hay bị ù, chị càng siêng lấy ráy vì nghĩ rằng tai bẩn. Thế nhưng, cảm giác ù tai tăng dần và khi thấy ống tai chảy dịch, chị mới đi khám. Khi chị vào bệnh viện thì ống tai đã bị chảy máu, có mủ, màng nhĩ bị rách.
Một trường hợp khác là ông N.H.C (45 tuổi; ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), có sở thích lấy ráy tai ở tiệm gội đầu. Ông C. cho biết mỗi lần được nhân viên gội đầu lấy ráy tai, ông “thấy rất đã”. Thế nhưng, mấy tuần qua, tai ông thường xuyên xuất hiện những lớp vảy da chết bong ra, lấm tấm nước và gây ngứa ngáy. Ông đi khám, bác sĩ cho biết nấm ống tai đã lan ra cả ngoài vành mà nguyên nhân có thể là do dụng cụ lấy ráy tai không hợp vệ sinh.
Theo PGS-TS Lê Công Định, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bạch Mai, có những bà mẹ cố gắng lấy ráy tai cho con nhưng trẻ lại không chịu, cố giãy giụa khiến bông tai lọt vào sâu gây thủng màng nhĩ. TS Định cho rằng việc dùng tăm bông lấy ráy tai là sai lầm phổ biến bởi thực tế, ráy tai có tác dụng bảo vệ da ống tai không bị viêm nhiễm và cũng là lớp đệm để giảm tiếng ồn.
Ráy tai là cơ chế tự bảo vệ của tai, ngăn bụi bẩn, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài đi sâu vào tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Theo cơ chế bình thường, ráy tai sẽ tự rơi ra khỏi ống tai. Khi dùng tăm bông ráy tai, nó không chỉ mang theo vi trùng mới mà còn đẩy một số ráy vô bên trong, khiến bụi bẩn và vi khuẩn cùng với ráy mắc kẹt lại, ảnh hưởng tới thính giác.
Các bác sĩ cũng lưu ý khi bơi lội hoặc tắm, nước sẽ vào tai gây cảm giác khó chịu nên nhiều người thường ngoáy tai. Chính cách làm này có thể gây trầy xước da ống tai, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập.
“Nếu bị nước vào tai, chỉ cần nghiêng đầu, lấy tay ấn nhẹ vào phần sụn nhô phía trước là nước sẽ tự chảy ra. Trường hợp có ráy tai gây khó chịu thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được xử lý bằng dụng cụ chuyên biệt” - bác sĩ Định khuyến cáo.
Cả nhà đổ bệnh
Theo các bác sĩ, một thói quen khác của khá nhiều người là sử dụng chung đồ dùng, thậm chí cả thuốc chữa bệnh mà phổ biến là thuốc nhỏ mắt.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết mỗi khi có dịch đau mắt đỏ, hình ảnh thường gặp là cả nhà cùng bị bệnh, từ ông bà, bố mẹ đến trẻ nhỏ. Lúc này, cả nhà có thói quen dùng chung một lọ nước muối sinh lý, chung thuốc điều trị hoặc thỉnh thoảng tiện tay dùng khăn của người lớn lau mặt cho trẻ.
“Nếu trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh đau mắt đỏ, dù đơn thuốc giống nhau thì cũng phải dùng khác lọ nhỏ mắt. Tuyệt đối không dùng chung lọ thuốc, lọ nước muối tra mắt nhằm tránh lây chéo, khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn” - bác sĩ Cương lưu ý
Theo bác sĩ Cương, ngay cả với lọ nước muối dùng hằng ngày để rửa mắt, nhỏ mắt làm trôi bụi bẩn ra ngoài, các thành viên trong gia đình cũng không nên dùng chung. Đây có thể là con đường lây truyền vi khuẩn hoặc bụi bẩn từ người này sang người khác. Khi nhỏ thuốc, không được chạm đầu lọ vào mắt vì có thể khiến các vi khuẩn, bụi bẩn, chất dịch trong mắt bám vào lọ và gây hại cho những lần sử dụng sau.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý khi mắt bị bụi, cát, muỗi, bọ trên đường bay vào hoặc bị dính hóa chất như xà phòng, sữa tắm..., không nên dụi hay nhờ người khác thổi mắt. Các cách làm này vô tình làm mắt nhiễm trùng nặng thêm vì trong không khí và nước bọt của người thổi thường chứa rất nhiều vi khuẩn, chưa kể việc chà xát sẽ làm rách và tổn thương giác mạc.
Đừng lạm dụng rửa mũi
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng khi thời tiết chuyển mùa thì nên nhỏ nước muối sinh lý để phòng các bệnh đường hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, nếu rửa mũi quá nhiều lần, ngay cả khi không bị các triệu chứng như chảy nước mũi, sẽ gây hại cho trẻ.
“Mũi bình thường có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên giúp tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn trong khoang mũi. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn, gây tổn thương niêm mạc mũi, từ đó dễ bị viêm và ảnh hưởng đến chức năng thở” - PGS Dũng nhấn mạnh.
Theo PGS Dũng, chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi nếu trẻ có triệu chứng ngạt, sổ mũi… Khi trẻ bị sổ mũi, phụ huynh chỉ cần xịt hoặc rửa mũi 3-4 lần/ngày. Ngoài ra, cha mẹ không nên dùng miệng của mình để hút mũi cho trẻ vì sẽ làm lây lan mầm bệnh sang bé.
Khi dùng các dụng cụ như xi-lanh để hút mũi, không nên đặt quá sâu và làm quá nhiều lần vì có thể khiến niêm mạc mũi bị phù nề. Việc dùng xi-lanh để bơm trực tiếp nước muối sinh lý vào rửa mũi cũng rất nguy hiểm bởi loại dung dịch này có áp lực cao, dễ gây sặc và sang chấn tâm lý cho trẻ.
Bình luận (0)