Ngày 12-9, Trungtâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) đến nay, thành phố ghi nhận 291.871 ca mắc Covid-19, trong đó 11.792 người tử vong. Dữ liệu trên cổng thông tin Covid-19 của TP HCM cho thấy số bệnh nhân tử vong có chiều hướng giảm đáng kể.
Chiến lược "đánh chặn từ xa"
Nếu tính từ mốc ngày 22-8, khi số ca Covid-19 tử vong cao nhất là 340 thì thời gian gần đây, con số này giảm liên tục. Cụ thể, số ca tử vong ngày 7-9 là 268, ngày 8-9 là 203, ngày 9-9 là 195, ngày 10-9 là 188, ngày 11-9 là 188, ngày 12-9 là 200.
Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 11-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong tuần qua, tình hình dịch tại TP HCM đã giảm rõ rệt trên cả 2 tiêu chí: số mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong giảm 30%.
Tại Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức - nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng, TS - bác sĩ chuyên khoa (BSCK) 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, cho biết tính từ giữa tháng 7 đến nay, đơn vị điều trị cho 2.735 ca; trong đó có 560 ca xuất viện, 744 ca tử vong và 2.239 ca chuyển từ nặng sang nhẹ. Tỉ lệ tử vong đang được kiểm soát tốt hơn. Vào tháng 7, tỉ lệ này là 39,8% (251/631 ca) thì trong tháng 8 giảm còn 26% (435/1.674 ca).
Người mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân khác. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Theo BS Thức, ngoài việc được tăng cường trang thiết bị, nhân lực, BV còn áp dụng chiến lược "đánh chặn từ xa" (nắm bắt sớm các ca chuyển biến nặng, xử lý ngay từ tuyến dưới). Bốn BS chuyên khoa hồi sức từ BV Chợ Rẫy trực tiếp "cắm chốt" tại 4 BV ở tầng thứ 2 gồm: BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức, BV Củ Chi, BV Bình Chánh và BV Cần Giờ để cùng các BV này theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ nặng của các bệnh nhân.
Hệ thống hội chẩn trực tuyến cùng hệ thống đường dây nóng được thiết lập tại BV Hồi sức Covid-19 được phụ trách bởi các BS giàu kinh nghiệm về hồi sức, như BSCK2 Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy), TS-BS Nguyễn Hoàng Hải (BV Nhân dân Gia Định), TS-BS Đỗ Quốc Huy (BV Nhân dân 115). Bất cứ khi nào bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, các chuyên gia sẽ tiến hành hội chẩn trực tuyến.
"Sau khi hội chẩn, nếu xác định bệnh nhân nhiều khả năng chuyển nặng thì lập tức sẽ chuyển về BV Hồi sức Covid-19 cho thở ôxy dòng cao chủ động để hạn chế tối đa nguy cơ chuyển nặng" - BS Nguyễn Tri Thức cho biết.
Trợ lực từ vắc-xin
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới kiêm phụ trách Khu điều trị Covid-19 BV Chợ Rẫy (TP HCM), số ca tử vong giảm còn do số lượng bệnh nhân được chích vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 tăng, đồng thời tình trạng quá tải ở các BV đã được cải thiện. TP HCM đã tăng cường hàng trăm trạm y tế lưu động, nhiều BS cũng tham gia điều trị trực tuyến cho F0 tại nhà.
"Trước đây, chúng ta chủ yếu tập trung vào cấp cứu hồi sức cho những bệnh nhân bắt đầu trở nặng. Bây giờ đã thay đổi chiến lược, chuyển quan tâm tới F0 nhiều hơn ngay từ sớm nhằm hạn chế người chuyển nặng, từ đó giảm áp lực lên các BV tầng 2, tầng 3. Do đó, tỉ lệ tử vong giảm đi dù số ca mắc mới mỗi ngày vẫn còn cao" - BS Hùng nhấn mạnh.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng nhờ chính sách tiêm vắc-xin, nên số người được bảo vệ ngày càng tăng, từ đó giảm đáng kể số ca mắc Covid-19 nặng. Sự điều phối hệ thống y tế nhuần nhuyễn hơn, phân tầng điều trị hợp lý hơn, cung cấp đầy đủ ôxy cho các cơ sở y tế tầng 2, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều ca bắt đầu trở nặng cũng giảm được người tử vong.
TS Đỗ Văn Dũng lạc quan cho rằng tỉ lệ tử vong sẽ giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, hiệu lực vắc-xin, thực hành 5K và giám sát dịch tễ, nếu thực hiện tốt sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Sẽ tiếp tục giảm mạnh
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 do BV Việt Đức phụ trách đặt tại BV Dã chiến 13 TP HCM, nhiều bệnh nhân đã hồi phục, chuyển từ nặng sang nhẹ.
TS-BS Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 - BV Việt Đức tại TP HCM, cho biết để giảm số tử vong, cần tập trung giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, tối ưu hóa tầng điều trị thứ 3 - tầng điều trị cho các ca nặng. Thứ hai, đối với tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu và tầng 2 là nơi thu dung điều trị cho bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, cần trang bị tốt về nhân lực, cung cấp đủ ôxy, thuốc, chăm sóc tốt, phát hiện sớm những ca chuyển nặng để chuyển ngay lên tầng 3.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, việc tăng cường hiệu quả của các trung tâm hồi sức tích cực với sự hỗ trợ của các BV tuyến trung ương là Bạch Mai, Việt Đức (Hà Nội), Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế) phụ trách, cộng với sự cố gắng hết sức của các thầy thuốc, chiến lược giảm tử vong bắt đầu có hiệu quả.
"Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị của TP HCM, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mà nòng cốt là ngành y tế, chắc chắn sau ngày 15-9, số ca tử vong sẽ tiếp tục giảm mạnh" - PGS Khuê khẳng định.
Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế TP HCM chỉ đạo sát sao các BV trực thuộc kết nối chặt chẽ với BV tuyến trên, đồng thời yêu cầu các BV dã chiến cử người tiếp nhận những chỉ đạo chuyên môn, các góp ý của BV tuyến trên.
Bình luận (0)