Ở phần cơ thể không được tưới máu, các mô bị thiếu ôxy và dưỡng chất. Trong khi đó, quá trình chuyển hóa ở tế bào lại tạo ra CO2 và các chất độc hại.
Cơ vân là mô dễ hoại tử nhất. Sau 2 giờ rưỡi thiếu ôxy ở 37 độ C, cơ vân sẽ thoái hóa và không hồi phục sau 6 giờ. Chi có nhiều cơ vân khâu nối sau 6 giờ thiếu máu nóng có thể gây ra hoại thư sinh hơi, nhiễm trùng, ngưng tim do độc tố… Ngón tay không có cơ nên khả năng chịu đựng lâu hơn. Do đó, bảo quản chi đứt lìa ở môi trường lạnh là phương pháp đơn giản nhất để duy trì sự sống.
Đối với bệnh nhân, cần lưu ý:
- Rửa vết thương bằng nước chín nguội hoặc dung dịch sinh lý mặn, sau đó băng vết thương bằng vải sạch, gạc vô trùng, băng thun ép cầm máu.
- Băng ép có trọng điểm là đủ hiệu quả trong rất nhiều trường hợp.
- Với trường hợp đứt lìa ngón tay, bàn tay và cổ tay, chỉ cần băng ép có trọng điểm lên vết thương là đủ.
- Nếu đứt lìa cẳng tay, cánh tay, cẳng chân…, có thể cần làm thêm garô để tránh chảy máu. Dùng băng hay dây vải quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10 cm, đút một cây gỗ và xoắn vài vòng cho đến khi máu ngưng chảy, không siết quá chặt. Ghi nhận thời điểm làm garô và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa, cứ sau 90 phút thì xả garô 5 phút.
Về phần chi đứt lìa, cần nhớ kỹ:
Rửa sạch bằng nước sôi để nguội, nước muối sinh lý nếu có; không được rửa bằng xà phòng hay hóa chất; quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại; đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh hoặc đơn giản nhất là cho vào một túi nhựa khác chứa đá lạnh. Chuyển tất cả theo nạn nhân, tuyệt đối không để trực tiếp phần đứt lìa vào đá lạnh.
Bình luận (0)